Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cô gái "mở hàng" may mắn

Minh Quang| 24/09/2017 07:31

(HNM) - Tám năm trước, Dương Thúy Vi còn là em út ở đội tuyển wushu Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 25, diễn ra tại Lào...


Vận động viên wushu Dương Thúy Vi. Ảnh: Anh Khoa


Bước khởi đầu của cô gái "bé tí tẹo"

Dương Thúy Vi đến với wushu một cách tự nhiên. Trong gia đình cô, cả bố và mẹ đều biết về võ thuật. Năm 2000 khi đã 7 tuổi mà Thúy Vi vẫn "bé tí tẹo". Để con gái có được sức khỏe tốt hơn, bố của cô đã đưa đi tập wushu và bất ngờ khi biết Thúy Vi có tố chất để theo học môn võ này. Những huấn luyện viên tại Câu lạc bộ wushu Hà Nội vẫn ấn tượng về cú bật nhảy tại chỗ của cô bé vượt mức 1,5m, hơn rất nhiều so với những bạn có thể hình tốt hơn. Họ tin rằng, chỉ cần có đam mê là cô bé sẽ thành công.

Dương Thúy Vi tập rồi mê wushu lúc nào không biết, dù phải đối mặt với nỗi vất vả và nguy cơ chấn thương rình rập. Và đường đến thành công cũng đầy chông gai. Như dạo năm 2007-2008, cô từng suýt phải giải nghệ khi bị hàng loạt chấn thương; đi lại còn khó nói gì đến việc tập luyện với những động tác bay, nhảy, xoạc ở cường độ cao. Thấy vậy, bố mẹ thương lắm, khuyên cô giải nghệ bởi thành tích chưa thấy đâu mà chấn thương đã liên tục tới. Nhưng không, Thúy Vi vẫn quyết theo đuổi wushu.

Ở kỳ SEA Games năm 2009 tại Lào, cũng là kỳ SEA Games đầu tiên của Dương Thúy Vi, mọi thứ không suôn sẻ. Năm đó, cô chỉ là cái bóng của các đàn chị Vũ Trà My, Nguyễn Thùy Linh, ống kính phóng viên tìm đến Thúy Vi là để khai thác vẻ đẹp duyên dáng của một võ sĩ trẻ thay vì yếu tố chuyên môn. Năm đó Dương Thúy Vi chịu xếp cuối ở bài thi thương thuật. Nhưng thất bại đó cùng hàng loạt chấn thương không làm cô nản lòng. Dương Thúy Vi âm thầm tập luyện với sự động viên của các thầy, gia đình, mong tạo được thành tích như các lứa vận động viên thế hệ trước từng đạt được.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2013, Dương Thúy Vi giành tấm Huy chương vàng nội dung thương thuật tại Giải Wushu vô địch thế giới. Đó là tấm Huy chương vàng mở ra hàng loạt thành công sau này cho Dương Thúy Vi, từ đấu trường châu lục (ASIAD) đến khu vực (SEA Games).

Vào thời điểm đó, thể thao Hà Nội mặc dù có hệ thống cơ sở vật chất tốt nhất, đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên đông nhất cùng mức đầu tư lớn nhất so với cả nước nhưng thành tích cao nhất ở ASIAD mới chỉ là những tấm Huy chương bạc. Nhiều lứa vận động viên được kỳ vọng giành "vàng", trong đó có Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Phương Lan (wushu) nhưng tất cả đều chưa thể mang về ngôi vô địch ASIAD. Cũng vì thế, đến ASIAD 2014, mọi kỳ vọng được gửi gắm vào Dương Thúy Vi và cô gái Hà Nội đã không phụ sự kỳ vọng khi giành ngôi vô địch, tạo nên một dấu mốc mới cho thể thao Hà Nội. Đó cũng là tấm Huy chương vàng duy nhất, giúp Đoàn thể thao Việt Nam thoát khỏi cảnh "trắng" Huy chương vàng khi rời ASIAD 2014. Nhờ thành tích này, Dương Thúy Vi được tuyển thẳng vào biên chế của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội.

Phía sau những thành công

Nhắc đến Dương Thúy Vi thì không thể không kể đến dấu ấn của cô trong Đoàn thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Đến lúc này, nhiều người gọi cô là “người mở hàng may mắn". Như ở SEA Games năm 2013, sau khi hàng loạt võ sĩ hàng đầu của đội tuyển wushu Việt Nam lỡ hẹn với ngôi vô địch, Dương Thúy Vi đã giành Huy chương vàng trong bài thi kiếm thuật. Đến SEA Games năm 2017, tưởng như đội tuyển bắn cung sẽ giành Huy chương vàng đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam thì số phận lại trao trọng trách cho Dương Thúy Vi, bởi trước khi cô bước vào tranh tài, những niềm hy vọng của bắn cung Việt Nam đều chịu thất bại trong cuộc thi giành "vàng". Cô gái Hà Nội lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "mở hàng", mang về tấm Huy chương vàng đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam. Kết thúc SEA Games năm 2017, Đoàn Việt Nam trụ lại ở vị trí thứ ba và trong số 58 Huy chương vàng của Đoàn Việt Nam, Thúy Vi đóng góp 2 Huy chương vàng. Đến lúc này, cô đã dự 5 kỳ SEA Games, trong đó ở 3 kỳ gần đây đều giành Huy chương vàng.

Bây giờ nghĩ lại, Dương Thúy Vi vẫn thấy “kỳ kỳ” khi đã 24 tuổi mà vẫn còn thi đấu trong khi bạn bè cùng lứa ở các nước khác đã chuyển sang công tác huấn luyện. Lý giải về chuyện này, Thúy Vi nhắc nhiều đến hai từ "đam mê”. Để giữ được niềm đam mê ấy, vận động viên phải vượt qua nhiều khó khăn không dễ chia sẻ, từ việc phải đối mặt với nguy cơ chấn thương đến nỗi khổ thường xuyên phải xa gia đình để đi tập huấn ở nước ngoài nhằm chuẩn bị cho các giải đấu. Như trước khi SEA Games 29 - năm 2017 diễn ra, Dương Thúy Vi phải đi tập huấn dài ngày tại Trung Quốc, chỉ trở về Việt Nam ít ngày rồi lại sang Malaysia tham dự SEA Games 29. Cũng vì chuyến tập huấn dài ngày đó mà một doanh nghiệp đã không thể gặp trực tiếp Dương Thúy Vi để bàn chuyện hợp tác trong kỳ SEA Games 29.

Mới đây, tại buổi lễ tuyên dương, khen thưởng huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội tham dự SEA Games 29, những chia sẻ của Dương Thúy Vi về nghề vận động viên khiến nhiều người xúc động. Cô nói: “Năm nay tôi 24 tuổi, đã có tới 17 năm tham gia tập luyện, thi đấu. Toàn bộ tuổi thanh xuân của tôi gắn liền với phòng tập, với mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi đã đánh đổi tuổi trẻ, thời gian cho gia đình để có được thành quả như ngày hôm nay. Đằng sau những tấm huy chương là một câu chuyện rất dài. Tuổi nghề của vận động viên rất ngắn, đặc biệt là với các môn thể thao thành tích cao, nhưng chỉ cần bị chấn thương nặng là lên bàn mổ và có thể phải từ bỏ luôn giấc mơ của mình”.

Tất cả những gì Thúy Vi nói đều là sự thật. Chỉ có điều, đã chọn theo nghề, đã đam mê thì không thể dừng lại. Cô từng chia sẻ rằng: "Đúng là chấn thương từng có lúc khiến tôi nản, muốn buông bỏ nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy yêu môn wushu, nên quyết định theo đuổi”.

Ngay sau khi trở về Việt Nam từ SEA Games 29 được vài ngày, Dương Thúy Vi đã lao vào luyện tập để chuẩn bị cho Giải Vô địch wushu thế giới 2017 - diễn ra vào cuối tháng 9, tại Nga. Mặc dù đã có đủ danh hiệu vô địch từ cấp độ trẻ đến đội tuyển quốc gia, từ tầm khu vực Đông Nam Á đến thế giới cũng như châu lục, nhưng Dương Thúy Vi vẫn khao khát chinh phục những đỉnh vinh quang mới. Bởi ít nhất thì cô cũng sẽ thi đấu đến hết năm 2018, sẵn sàng vượt qua thách thức tại ASIAD cũng như Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô gái "mở hàng" may mắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.