(HNM) - Giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V.League) 2016 tạm nghỉ để Đội tuyển quốc gia tập trung nhưng các nhà tổ chức giải vẫn phải bận bịu với việc giải quyết những phản ứng của cổ động viên. Chuyện này không mới nhưng luôn làm đau đầu BTC giải.
Cổ động viên Than Quảng Ninh. |
Chuyện CĐV phản ứng nhà tổ chức giải bằng băng rôn hay các hình thức khác đã xuất hiện từ lâu trên sân cỏ Việt Nam. Cách đây 6 mùa bóng, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến những phản ứng của một bộ phận CĐV Hải Phòng với VFF. Tất cả bắt nguồn từ việc CĐV Hải Phòng liên tục đốt pháo sáng trên sân nhà Lạch Tray và các sân khác khiến BTC nhiều trận đấu nhận án phạt từ LĐBĐ Việt Nam. Thậm chí, sân Lạch Tray vừa hết hạn "treo sân" - tổ chức trận đấu không khán giả, thì pháo sáng lại được đốt ở ngay trận kế tiếp như sự trêu ngươi, phản ứng lại BTC.
Tuy nhiên, trong lịch sử V.League, có lẽ trận Than Quảng Ninh - Cần Thơ ở vòng 11, V.League 2016 là trận đầu tiên CĐV phản ứng quyết liệt như vậy với quyết định của nhà tổ chức giải. Cách phản ứng này chưa từng xuất hiện trong lịch sử bóng đá Việt Nam, được bắt nguồn từ quyết định của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) không cho phép CĐV dùng loa điện, dàn âm thanh cổ vũ trên khán đài. Trong khi đó, sử dụng dàn âm thanh cổ vũ đã như một "đặc sản" trên sân Cẩm Phả (sân nhà của Than Quảng Ninh) những mùa gần đây.
CLB Than Quảng Ninh đã gửi công văn tới VPF đề xuất cho Hội CĐV Than Quảng Ninh được tiếp tục sử dụng dàn âm thanh trong hoạt động cổ vũ. Nhưng VPF vẫn nói "không". Theo lý giải của VPF, báo cáo của giám sát trận đấu và ghi nhận thực tế của các thành viên BTC giải, việc sử dụng loa điện trong hoạt động cổ vũ của các hội CĐV ở một số trận đấu đã làm ảnh hưởng đến công tác an ninh, an toàn, tổ chức, điều hành và thi đấu; một số nơi còn xuất hiện tình trạng cổ động thiếu văn minh, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của các CLB nói riêng và của giải đấu nói chung.
Không thuyết phục được VPF, Hội CĐV đã quyết định bỏ trống khán đài B, nơi họ từng làm nên không khí sôi động trên sân Cẩm Phả mỗi khi đội nhà thi đấu. Nhiều CĐV còn đeo khẩu trang để phản ứng lại quyết định của VPF. Sự phản ứng trên không khiến VPF xem lại quyết định nhưng khán đài sân Cẩm Phả "thiếu lửa" hơn hẳn và điều này tác động đáng kể đến tinh thần cầu thủ. Nhiều người nhận xét, bỏ trống khán đài để phản ứng lại quyết định của nhà tổ chức giải thì "cái được" có khi chẳng bằng "cái mất".
Ở nhiều nền bóng đá tiên tiến, việc này đã bị cấm và các CĐV cũng nghĩ ra hình thức cổ vũ khác. Ở Việt Nam, CĐV Hải Phòng đã phi máy bay giấy màu đỏ, màu áo thi đấu của đội nhà, xuống đường chạy sân Lạch Tray, thay vì đốt pháo sáng. Sau trận đấu, chính CĐV Hải Phòng đi thu dọn máy bay giấy. Hình ảnh đẹp đó đã tạo nên sự phấn khích cho cầu thủ Hải Phòng thi đấu "nhiệt" hơn.
Trong cuộc gặp gần đây với CLB bóng đá Than Quảng Ninh, Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng tiếp tục khẳng định quan điểm không được sử dụng loa điện hay dàn âm thanh để cổ vũ đội nhà. Và người ta đang chờ xem phản ứng của CĐV Than Quảng Ninh trong trận đấu tới trên SVĐ Cẩm Phả trước sự cương quyết của VPF.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.