(HNM) - Theo khảo sát 57 vị quản lý cấp cao doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam do Nielsen Việt Nam (công ty con của Tập đoàn Nielsen chuyên về nghiên cứu, xử lý và cung cấp thông tin thị trường) vừa được công bố, hầu hết đều kỳ vọng vào tăng trưởng cao hơn năm trước. Giới DN dự đoán 6 đến 12 tháng tới, người tiêu dùng sẽ mua nhiều hàng hóa nhãn hiệu Việt Nam hơn. Lý do là hiện người Việt đang có xu hướng dùng hàng Việt, mua gói hàng hóa lớn hơn…
Trước đó, một vài khảo sát ở quy mô nhỏ hơn cũng cho thấy người Việt quả đang có xu hướng này. Như vậy, xem ra đã đến thời của DN nội địa trên "sân nhà". Vấn đề ở chỗ "cờ đã đến tay", DN có "phất" và quan trọng hơn, có... "phất" được không?
Xin nêu ra hai ví dụ nhỏ để trả lời câu hỏi này:
Một khách hàng mua một cái đèn soi tai, mũi, họng của một DN tự nhận là "cơ sở sản xuất công nghệ cao", hàng được gắn mác "chất lượng cao". Cấu tạo của đèn không có gì phức tạp, là một cái ống sử dụng pin tương tự đèn pin, có thêm hai ống nhìn hình phễu, một cái dùng nhìn mũi, tai, một cái dùng soi họng. Chỉ có điều, riêng cái ống nhìn dành soi họng thì không tài nào lắp được vào thân vì ren bị... lệch. Các bộ phận của đèn còn nguyên những phần nhựa "ba via" nham nhở.
Thế mà giá không hề rẻ, 135.000 đồng, đắt hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của... Trung Quốc.
Cái đèn soi tai, mũi, họng không đại diện cho hàng Việt nhưng tại sao nó lại được thừa nhận là "chất lượng cao"?
Chỉ riêng chất lượng "vỏ" (nói đúng nghĩa đen) của hộp sữa bột Dielac Alpha A + do một DN Việt Nam có tiếng sản xuất cũng khiến nhiều bà mẹ phát bực. Nắp cạy (phải dùng dao, dĩa để cạy mới mở được) dưới nắp nhựa - rất chắc chắn - thì không sao, nhưng nhà sản xuất không để ý đến việc làm thanh gạt để việc đo khẩu phần (bằng thìa) được chính xác. Trong khi đó, tất cả các hãng nước ngoài đều làm thanh gạt hoặc nắp nhựa có thể gập, chỗ gập đóng vai trò gạt.
Một sản phẩm sữa cũng không đại diện cho hàng Việt nhưng vấn đề ở chỗ sản phẩm trên lại của một DN lớn và được bán rộng rãi.
Sau một thời gian dài tập trung "tất cả cho xuất khẩu", DN Việt Nam rốt cuộc cũng phải trở lại thị trường nội địa hai năm vừa rồi. Nhưng ngay sau đấy là rất nhiều ví dụ về hàng Việt… lỗi tương tự hai sản phẩm ở trên. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam hay sính ngoại, vì có tâm lý ngoại bao giờ cũng tốt hơn hàng nội. DN ta có vẻ cũng coi người tiêu dùng ngoại "oai" hơn người tiêu dùng nội nên khi làm hàng xuất khẩu cũng chú trọng hơn về mọi mặt chăng?
"Cờ đến tay" rồi đấy nhưng DN có "phất" và "phất" được không? Câu trả lời đã rõ. Chắc chắn một điều là người Việt Nam sẽ "ưu tiên" dùng nhưng chỉ với "hàng Việt Nam chất lượng cao" thực sự đúng nghĩa. Để người tiêu dùng trong nước yên tâm dùng hàng trong nước theo tinh thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thì các DN trong nước phải chứng tỏ được sản phẩm của mình bền, đẹp, tốt, giá cả hợp lý… Nhưng đó lại là vấn đề không hề đơn giản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.