(HNM) - Sau khi đăng bài "Dự án nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ: Bị lợi dụng để huy động vốn" Báo Hànộimới đã nhận được đơn của ông Vũ Duy Thông, địa chỉ số 60, ngõ 46 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội (đơn này cũng được gửi cho Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội, lãnh đạo UBND TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm) tố cáo Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà có hành vi cố ý làm trái quy định, chiếm đoạt tài sản của gia đình ông thông qua việc góp vốn vào dự án nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ.
Chiều 17-9, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng khẳng định, mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng các căn hộ liên quan đến dự án khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng cũng như bán hoặc chuyển nhượng dự án này là trái với quy định.
Theo trình bày của ông Vũ Duy Thông, mặc dù ngày 22-4-2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản số 295 thông báo hủy văn bản 592 (ngày 23-8-2010, có nội dung đồng ý về nguyên tắc cho Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà sử dụng 15% trên tổng số căn hộ công ty này bỏ vốn xây dựng để kinh doanh) và khẳng định, mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng các căn hộ liên quan đến dự án khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng là trái quy định, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng tháng 5-2011, thông tin rao bán nhà của Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà, với tư cách là chủ đầu tư, vẫn được đưa lên mạng internet. Sau gần 2 tháng, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản số 295, ngày 21-6-2011, Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà, mà người đại diện là ông Nguyễn Quốc Xương, Phó Tổng Giám đốc và ông Vũ Duy Thông đã ký hợp đồng góp vốn trị giá 1,16 tỷ đồng. Cùng ngày, ông Thông đã chuyển 50% giá trị hợp đồng (580 triệu đồng) theo tiến độ góp vốn. Đáng chú ý là, tại hợp đồng góp vốn, mặc dù văn bản 592 đã bị UBND quận Hoàn Kiếm hủy trước đó 2 tháng nhưng vẫn được đưa vào làm căn cứ để công ty ký hợp đồng góp vốn với khách hàng. Thứ nữa, việc tìm hiểu dự án và ký hợp đồng được ông Thông thực hiện trực tiếp với Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà chứ không phải qua trung gian, môi giới. Người trực tiếp giới thiệu, cung cấp thiết kế, các văn bản, giấy tờ liên quan đến dự án cho ông Thông tại trụ sở Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà (số 109, đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân) là ông Phan Văn Mai, Phó Trưởng ban Quản lý dự án. Chính ông Mai là người hứa cho ông Thông mua một căn hộ 80m2, với giá 14,5 triệu đồng/mét vuông. Tuy nhiên, ông Thông phải trả thêm một khoản chênh lệch là 16 triệu đồng. Chính ông Mai, sau đó còn khẳng định với ông Thông dự án phải lùi thời gian khởi công do điều chỉnh thiết kế và rằng nếu không tin có thể đến công ty lấy lại tiền bất cứ lúc nào. Nhưng đến tháng 4-2012, khi ông Thông đến đòi lại tiền, ông Xương (người trực tiếp ký hợp đồng góp vốn) đã né tránh không gặp với nhiều lý do hết sức vô lý. Nghi ngờ, ông Thông tìm hiểu và phát hiện ra hành vi khuất tất của Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà như chúng tôi đã đề cập. Ngoài ra, không chỉ ký hợp đồng góp vốn với khách hàng đơn lẻ, Công ty Hồng Hà còn ký hợp đồng góp vốn với nhà đầu tư thứ cấp giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng, đổi lại nhà đầu tư thứ cấp có quyền mua tới 50 căn hộ.
Trong đơn tố cáo, ông Thông nêu: "Đối chiếu với các nội dung và thời điểm ban hành văn bản 295 của UBND quận Hoàn Kiếm (tháng 4-2011) và thời điểm công ty ký hợp đồng góp vốn với gia đình tôi (tháng 6-2011), tôi có đủ cơ sở khẳng định Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thông qua ông Mai, đã cố tình lừa đảo để chiếm đoạt trái phép tài sản của tôi. Ngoài gia đình tôi, còn rất nhiều gia đình khác cũng bị Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà lừa đảo với thủ đoạn như trên, đến nay số tiền mà người dân bị chiếm đoạt lên tới gần 100 tỷ đồng và ông Xương đã rời khỏi nơi cư trú. Vì vậy, tôi làm đơn khẩn thiết đề nghị Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra, UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xử lý bảo đảm quyền lợi của người dân và sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật…".
Trong văn bản số 295 ngày 22-4-2011 của UBND quận Hoàn Kiếm có đoạn: "Sau khi dự án khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ được UBND TP Hà Nội phê duyệt, nếu Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà tiếp tục có đủ điều kiện tham gia thực hiện, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ xem xét, báo cáo UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Vật liệu xây dựng -
Xuất nhập khẩu Hồng Hà triển khai theo quy định của pháp luật…". Vấn đề được đặt ra là, sau những sai phạm trên, công ty này còn xứng đáng được quận Hoàn Kiếm "chọn mặt, gửi… dự án" nữa hay không? Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết, trước hết Công ty Hồng Hà phải giải quyết hậu quả do họ gây ra, tiếp đến phải đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của họ. Ngoài ra, công ty nào muốn thi công dự án phải chứng minh được năng lực thi công, năng lực tài chính; phải được UBND TP chấp thuận. Hiện nay, dự án nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ mới được Thành ủy thông qua chủ trương, đang đợi UBND TP phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, UBND quận Hoàn Kiếm mới kêu gọi doanh nghiệp tham gia nghiên cứu. Theo kế hoạch, phải sang năm 2013 dự án mới có thể khởi công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.