(HNMO) - Chiều 29-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu cũng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
6 nhóm mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nhanh, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn mới.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra 5 quan điểm, trong đó tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016-2020; bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh và bền vững...
Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra tại kế hoạch giai đoạn 2016-2020 cần phải được đánh giá, làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.
Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc xây dựng kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Trong đó, đối với 5 mục tiêu không đạt được theo kế hoạch, cần đặt thời hạn sớm hoàn thành các mục tiêu này phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực hiện của giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới khó khả thi, như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp…
Theo ông Vũ Hồng Thanh, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại kế hoạch trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn để không lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
Hạn chế chuyển đổi diện tích đất trồng lúa
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Về kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020, cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định (bình quân đạt 85,35%), trong đó có 14 chỉ tiêu đạt trên 90%, 6 chỉ tiêu đạt 70-90%, 1 chỉ tiêu đạt 50-70% và 4 chỉ tiêu đạt dưới 50%.
Về phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với đất trồng lúa thì trong 10 năm qua giảm 202.930ha, chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ... Để đảm bảo an ninh lương thực, quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực là 3,568 triệu hécta, giảm 349 nghìn hécta so với thời kỳ trước đó.
“Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) được tính toán, phân kỳ trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn; các kịch bản tăng trưởng kinh tế có tính đến độ trễ do tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước; nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, quy hoạch đất trồng lúa đã cơ bản bám sát kết luận của Bộ Chính trị về giữ ổn định 3,5 triệu hécta đất trồng lúa. Theo đề xuất của Chính phủ, trong số 3,568 triệu hécta đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300 nghìn hécta, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.
Tuy nhiên, để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi. Đồng thời, đề nghị rà soát, hạn chế việc chuyển đổi đất lúa (nhất là đất chuyên trồng lúa) tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.