(HNM) - Sẽ có 3 loại quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gồm: Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đang hoạt động và thành lập thêm Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đòi hỏi có trọng tâm, hiệu quả. Ảnh: Thái Hiền |
Đề xuất này có bảo đảm tính khả thi để thúc đẩy phát triển DNNVV hay không là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó cần tránh chung chung, khó thực hiện.\Đúng như tên gọi, dự thảo luật đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho các DNNVV. Trong đó, chỉ riêng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV khá phong phú. Đó là hai quỹ được thành lập và đang hoạt động là Quỹ Phát triển DNNVV (thành lập từ năm 2013), Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố). Ngoài ra, dự thảo luật đề xuất mở thêm Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây là quỹ mới, quy định mang tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý để các địa phương có nhu cầu và khả năng cân đối được ngân sách có thể thành lập nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn. Đồng thời, để thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ DNNVV, dự thảo tạo hành lang pháp lý khuyến khích khu vực tư nhân góp vốn hợp pháp thành lập quỹ này để đầu tư, tài trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện DNNVV chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Thực tế hoạt động cho thấy, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, nhưng hoạt động của DNNVV còn khó khăn. Nhiều cơ hội gần như “khép lại” đối với các DNNVV do nhóm doanh nghiệp này yếu thế trong tiếp cận các lợi ích, tiềm lực cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước. Vì vậy, cần tăng cường hỗ trợ để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, chỉ đưa vào dự thảo luật những nội dung phù hợp có tính ổn định đã được tổng kết thực tiễn. Hơn nữa, phải làm rõ để khi đọc luật, những ai quan tâm đều có thể biết nhóm doanh nghiệp nào được hỗ trợ và hỗ trợ cái gì.
Để làm được việc này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị hỗ trợ theo các hướng gồm: Hỗ trợ cơ bản và trọng tâm. Trong đó, hỗ trợ cơ bản là những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả DNNVV như: Vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo, thông tin, tư vấn. Những doanh nghiệp được tập trung ưu tiên hỗ trợ là những DNNVV có tiềm năng, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế như, áp dụng công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ du lịch, dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Bên cạnh đó, phạm vi hỗ trợ nên tập trung một số doanh nghiệp điểm nhấn, trọng điểm, tạo chuỗi giá trị cao. Nếu không, nguồn lực không thể đáp ứng được.
Cho rằng hầu hết các vướng mắc trong hỗ trợ DNNVV nằm ở khâu thực hiện, vì thế, ngoài nội dung trên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là rất cần thiết, nhưng phải bảo đảm tính khả thi. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, dù dự thảo luật đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, song thực hiện thế nào chưa dự liệu được. Chẳng hạn, luật quy định các địa phương hỗ trợ DNNVV tùy theo điều kiện ngân sách, nhưng đa số các tỉnh đang nhận tiền từ Trung ương thì lấy đâu nguồn hỗ trợ. Hay về hỗ trợ đất đai, mặt bằng cho DNNVV, Nhà nước chỉ quy hoạch còn doanh nghiệp thực hiện, làm sao "bắt" doanh nghiệp triển khai hỗ trợ DNNVV được. Thực tế trên đòi hỏi cần xác định rõ hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng của luật; bảo đảm cho sự hỗ trợ là hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; không hỗ trợ theo kiểu tràn lan, dàn trải. Mặt khác, Ban soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cần liên kết, phối hợp với các ban, ngành có liên quan để chuẩn bị các hướng dẫn chi tiết trước khi Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời. Điều này sẽ góp phần thuận lợi cho nhiều DNNVV chịu sự tác động của luật và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan liên quan đến hoạt động này, tránh trường hợp "chuyền bóng" việc hỗ trợ DNNVV từ cơ quan này sang cơ quan khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.