(HNM) - Tai nạn giao thông đường sắt liên quan đến cái gọi là “đường ngang dân sinh” xảy ra ngày càng nhiều, cướp đi sinh mạng của nhiều người, để lại hệ lụy nặng nề cho xã hội.
Từ đầu năm 2017, giao thông đường sắt trên cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, chỉ 2 tháng đầu năm có 32 vụ tai nạn làm hơn 40 người thương vong. Riêng tháng 2 ghi “dấu ấn” việc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, tàu hỏa đâm ô tô, làm hàng chục người thương vong.
Trong những vụ tai nạn này, lỗi phần nhiều do người điều khiển ô tô không chấp hành các tín hiệu giao thông đường sắt, chủ quan, thiếu quan sát, thậm chí liều mạng băng qua khi tàu đã tới gần. Dĩ nhiên, thiệt hại nặng nề nhất vẫn thuộc về nạn nhân. Có người mất mạng, có người tàn tật, có người trở thành gánh nặng vĩnh viễn cho gia đình và xã hội...
Có một thực tế là, cứ sau mỗi vụ tai nạn nghiêm trọng, trách nhiệm phần lớn được quy về “chính quyền địa phương”. Điều này cũng có lý, bởi đường ngang dân sinh thuộc địa bàn quản lý của địa phương, và phần nhiều không có đèn cảnh báo tự động, không rào chắn, cũng chẳng có người gác. Đó là những đường mở tự phát, trở thành các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó là tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt làm nơi kinh doanh, hay phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Những vi phạm ấy cứ thế tồn tại qua nhiều năm nhưng chính quyền không có biện pháp xử lý.
Tai nạn xảy ra, hậu quả rất rõ. Nhưng đến nay cũng chưa có vị lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc về sự buông lỏng quản lý. Thực tế, pháp luật cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc này. Vì vậy, nếu không “luật hóa” trách nhiệm của địa phương thì chắc chắn tai nạn sẽ khó giảm.
Khoảng 9h30 ngày 18-3, tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định, xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khi chiếc xe ô tô tải đi qua đường ngang có gác chắn. Nhưng rất đáng tiếc là barie đã không đóng khi tàu qua do người gác chắn đường tàu lúc đó vắng mặt. Một người tử vong, 1 người bị thương nặng bởi sự thiếu trách nhiệm, vô kỷ luật rất điển hình này.
Sau mỗi vụ tai nạn, hầu hết các đoàn tàu sẽ lại nhanh chóng tiếp tục hành trình. Hậu quả được giao cho chính quyền sở tại xử lý. Còn đường ngang, lối đi dân sinh cũng không vì thế mà mất đi. Hiện nay trên cả nước, ít nhất đang có khoảng 500 điểm giao cắt chưa có người gác hay cảnh báo tự động và hơn 4.200 lối tắt mà ngành Đường sắt chưa có giải pháp bảo đảm an toàn. Lý do viện dẫn chủ yếu vẫn là thiếu kinh phí. Nhiều người cho rằng, hệ thống đường sắt Việt Nam quá cũ kỹ, chậm chạp, cạnh tranh yếu. Chính sự ì ạch đó là lý do nhà “hỏa xa” không thể tự đầu tư xóa "điểm đen" barie, ngược lại vẫn cứ miệt mài chờ Nhà nước. Thế nên đừng nói ngành Đường sắt không có lỗi!
Làm thế nào để xóa bỏ nguy cơ tai nạn rình rập ở các đường ngang dân sinh? Chắc chắn đây không chỉ là việc của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các địa phương, là ý thức của người dân, trách nhiệm chính quyền, mà vai trò đặc biệt quan trọng là ngành Đường sắt cần phải có sự chuyển động tích cực. Chính quyền địa phương chỉ có thể thay đổi tư duy, cách làm - nếu có sự "thúc" từ phía ngành Đường sắt và cao hơn là ở chế tài được điều chỉnh bởi văn bản pháp lý, trong đó gắn trách nhiệm cá nhân với thực tế bảo đảm duy trì pháp luật tại địa phương.
Mọi cái chết đau lòng đều có nguyên nhân. Vì thế, không thể tất cả đều vô can khi để xảy ra mà nguyên nhân lại là từ nhu cầu đi lại chính đáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.