Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về “nhà khoa học tại gia”

Bảo Nga - Ngọc Thủy| 11/11/2013 05:55

(HNM) - Đã bước sang tuổi 80 nhưng ông Nguyễn Phúc Thanh (trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) không chọn cho mình cách an nhàn tận hưởng tuổi già.

Không học hàm, học vị; không kinh qua bất cứ một trường lớp đào tạo nào về khoa học kỹ thuật nhưng hàng chục năm qua, ông và vợ là bà Huỳnh Thị Tuyết Hồng đã tạo ra hàng loạt sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt, phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2009.

“Nhà khoa học tại gia” Nguyễn Phúc Thanh với thí nghiệm biến rơm thành giấy.



Biến rơm thành... giấy!

Phải nhờ đến một người hàng xóm tốt bụng dẫn đường, chúng tôi mới tìm được ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Thanh khuất sâu cuối xóm 3 - sát vườn đào thuộc phường Phú Thượng - quận Tây Hồ. Bước qua cánh cổng sắt cũ kỹ, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chồng chai, lọ đựng hóa chất, dung dịch... ngổn ngang dọc lối đi trước hiên nhà. Trong phòng khách, dăm bảy chiếc máy xay hiệu Philips nằm xếp hàng, đây đó là những mẫu vật phẩm, tài liệu và cả những "sản phẩm" do ông tự sáng chế nằm rải rác khắp nơi. Đang làm việc trên gác, nghe vợ nói có nhà báo đến thăm, ông Thanh vội chạy xuống nhà, tay vẫn đeo nguyên chiếc găng tay cao su màu trắng. Dáng người cao, thanh mảnh và cách nói chuyện hóm hỉnh, cùng trí tuệ uyên thâm của ông khiến người nghe như bị hút vào câu chuyện, quên mất trước mặt mình là một ông già đã ở tuổi "xưa nay hiếm".

Từng tốt nghiệp Trung cấp Y, nhưng vốn sáng dạ và ham học ông Thanh không chỉ am hiểu về sinh học mà còn có vốn kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực toán học, hóa học, vật lý... Ông đến với những sáng chế khoa học như một cơ duyên. Đó là thời điểm những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cuộc sống hồi ấy nhiều khó khăn, giấy viết không sẵn và đẹp như bây giờ. Một lần tình cờ chứng kiến cảnh người dân đốt rơm, rạ khói mù trời sau vụ gặt, ông Thanh chợt nảy ra câu hỏi: Gỗ và rơm đều có thể sử dụng làm chất đốt. Nếu gỗ có thể chế tạo được thành giấy thì tại sao rơm, rạ lại không? Nghĩ là làm, ông và vợ bắt tay vào nghiên cứu. Không đếm xuể đã bao nhiêu lần thất bại, bao nhiêu lần sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu... Sau hơn chục năm lao tâm khổ tứ, năm 2006, công sức của ông bà được đền đáp xứng đáng khi công trình nghiên cứu phương pháp sản xuất rơm rạ thành bột giấy thành công hơn mong đợi. Nhưng phải miệt mài thêm 3 năm nữa, đến tháng 6-2009, mong ước của ông bà mới thành hiện thực khi nghiên cứu của ông chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền "Giải pháp hữu ích: Phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm, rạ".

Ông Thanh chia sẻ, theo phương pháp hiện đại, bột giấy được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu truyền thống là gỗ lá kim, gỗ lá rộng và một phần nhỏ từ tre, nứa. Để có nguồn nguyên liệu này phải mất rất nhiều năm để cây gỗ phát triển. Trong khi đó, Việt Nam là một nước nông nghiệp, lượng rơm, rạ thu được sau mỗi mùa vụ rất dồi dào. Việc sản xuất bột giấy từ rơm, rạ sẽ tạo ra một nguồn nguyên liệu mới cho ngành công nghiệp sản xuất giấy trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, đồng thời tăng thu nhập cho người nông dân. Không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có với giá thành "rẻ như cho", quy trình biến rơm thành bột giấy của ông Thanh cũng rất đơn giản. Nói về quá trình nghiên cứu, ông Thanh cười vui: "Phương pháp của tôi được chia thành 5 bước đơn giản. Đầu tiên là ngâm rơm, rạ trong dung dịch tẩy trắng. Sau đó, rơm, rạ sẽ được cắt nhỏ và đưa vào máy nghiền xay vụn trong thời gian 30 phút. Trộn rơm, rạ sau khi xay với dung dịch tẩy trắng lần thứ hai để tạo ra chất kết dính màu trắng mịn. Tiếp tục lọc qua nước để thu được lớp bột giấy màu trắng. Cuối cùng là dùng chổi quét lớp bột giấy này lên khung và đem phơi nắng. Nếu trong nhiệt độ bình thường, chỉ sau 3 giờ đồng hồ sẽ thu được những tờ giấy trắng như tôi cầm trên tay..." - Vừa nói, ông Thanh vừa hào hứng chìa cho chúng tôi xem những tờ giấy trắng phau có hình tròn tương tự loại bánh đa nem cỡ nhỏ. Để có được những tờ giấy mảnh mai này và phương pháp sản xuất bột giấy đơn giản như thế, ông và vợ mình đã phải đánh đổi bằng mười mấy năm trời mất ăn, mất ngủ, làm thêm đủ việc để có tiền nuôi dưỡng niềm đam mê.

Tuy nhiên, đã 4 năm sau khi được cấp bằng sáng chế, ông vẫn chưa thể bắt tay hiện thực hóa ước mơ xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy từ rơm, rạ cho riêng mình. "Cái khó nhất là thiếu vốn cô ạ. Hiện đã có hai đối tác sẵn sàng đứng ra cùng liên kết để xây dựng nhà máy chế biến bột giấy từ rơm rạ, nhưng khổ nỗi do thiếu vốn nên không thể thuê nổi mặt bằng do giá thuê đất ở các khu công nghiệp quá cao" - bà Hồng buồn buồn nói.

Nhiều ước mơ còn dang dở…

Sáng chế biến rơm thành giấy không phải là thành quả duy nhất của vợ chồng ông Thanh. Trước đó và đến cả bây giờ, ông bà vẫn đang tiếp tục sáng tạo thêm nhiều sản phẩm hữu ích, chỉ có điều đáng tiếc là do kinh phí hạn hẹp, chưa được nhiều người biết đến nên nhiều sáng chế của ông bà làm xong chỉ… mang vào tủ cất đi mà ít được ứng dụng trong thực tế. Ông đưa cho chúng tôi xem rất nhiều thành quả của mình đã sáng tạo trong nhiều năm: Đó là những mảnh ni lông trong suốt hoặc có màu hồng rất đẹp, ông khẳng định đó hoàn toàn là sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, màu của nó cũng là màu bột hoa hiên, có thể "ăn" được. Hay một mảnh vật liệu nhẹ màu nâu đỏ nhưng rất cứng được làm từ xi măng trắng, vỏ trấu và xơ sợi thực vật. Ông bảo, ông đã từng xây dựng một phòng khách cho người bạn bằng vật liệu này, giá thành rẻ chỉ bằng 1/3 giá vật liệu cùng loại bán ngoài thị trường mà nhiều năm nay vẫn bảo đảm an toàn, không hề có hiện tượng lún nứt.

Năm 2002, vợ chồng ông hoàn thành đề án "Công nghệ xử lý rác thải công nghiệp", dùng các phương pháp sinh hóa để xử lý nhanh, triệt để rác thải sinh hoạt, biến thành những sản phẩm có ích như phân mùn, bê tông, hoàn toàn có thể tái sử dụng lại không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, ông bà còn các sáng chế khác như sản xuất bột giấy từ bèo tây, tận dụng các loại rác thải hữu cơ, phế phẩm làm gỗ ép, thoi dệt…

Tiễn chúng tôi ra về, ông Thanh nói pha chút ngậm ngùi: "Dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn luôn luôn muốn nghiên cứu để đóng góp chút gì đó nho nhỏ cho xã hội. Chỉ mong những sáng chế của tôi được các cơ quan chuyên môn quan tâm xem xét, đánh giá và tạo điều kiện để chúng được ứng dụng trong thực tế".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về “nhà khoa học tại gia”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.