Sách

Chuyện tình tướng trận qua những lá thư

Yên Nga 14/04/2024 - 07:22

“Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!”. Đó là dòng thư Thiếu tướng Hoàng Đan gửi người yêu, sau này là vợ ông. Câu chuyện tình đẹp của họ được người con trai Hoàng Nam Tiến kể trong cuốn sách “Thư cho em”.

Cuốn sách vừa được Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ra mắt. Sau 13 ngày, "Thư cho em" đã tái bản và liên tục “cháy hàng” trên nhiều nền tảng thương mại điện tử.

sach-thu.jpg

Thiếu tướng Hoàng Đan là một trong những vị tướng trận nổi bật của Quân đội nhân dân Việt Nam và vợ ông là bà Nguyễn Thị An Vinh - nguyên đại biểu Quốc hội.

Cảm mến nhau từ thuở đôi mươi, rồi trở thành vợ chồng, suốt mấy chục năm, vị tướng trận đi khắp các chiến trường ác liệt. Người yêu và sau này là vợ ông ở hậu phương học tập, nuôi con và phấn đấu cho sự nghiệp.

Thời gian họ bên nhau vô cùng ít ỏi. Vì thế, họ gửi gắm tâm tình qua những lá thư tay. Chúng là sợi dây liên kết, đưa họ vững tin vượt bao dấu mốc lịch sử của dân tộc, từ Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979...

Tác giả Hoàng Nam Tiến kể rằng, năm 2003, khi Thiếu tướng Hoàng Đan qua đời, mẹ tác giả - bà An Vinh đã yêu cầu Hoàng Nam Tiến xếp đặt để những bức thư và nhật ký của hai ông bà sẽ đi theo ông Hoàng Đan về thế giới bên kia. Nhưng người con út của họ đã “to gan trái lời mẹ” giữ lại thư từ của cha mẹ trong suốt 50 năm, từ những năm 1953, thuở mới quen, cho đến quãng thời gian sau này. Qua nhiều lần đọc đi đọc lại những bức thư, hiểu về tình cảm của cha mẹ, cùng những ký ức về họ, tác giả đã viết cuốn sách này.

Cuốn sách “Thư cho em” đưa người đọc trở về những năm tháng bom rơi, đạn lửa của thế kỷ XX, khi cả nước cùng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Chuyện tình của ông Hoàng Đan và bà An Vinh, qua hơn 400 lá thư, dần hiện lên với nhiều cung bậc cảm xúc, có lãng mạn, trìu mến; có nhớ mong, chờ đợi; có hờn ghen, giận dỗi và cả những thời khắc hồi hộp, gay cấn được gắn liền với những mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Những dòng thư cho thấy, họ giống như lớp lớp người thời đó, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng cho nhiệm vụ chung lớn lao là giải phóng dân tộc.

“Thư cho em” đem lại cho thế hệ hôm nay những bài học cùng yêu, cùng sống, cùng trưởng thành của thế hệ trước. Ông Hoàng Đan xuất thân trong một gia đình khá giả, được học hành đầy đủ và sớm đi theo cách mạng. Bà An Vinh xuất thân là một cô bé đi ở, có khát khao đổi thay số phận mạnh mẽ.

Năm 1954, khi ông Hoàng Đan đạp xe hơn 1.300 cây số lên tận Lạng Sơn hỏi cưới, bà đã quyết… từ chối, vì muốn tập trung phấn đấu công tác. Khi lấy nhau, bà An Vinh luôn ý thức “phải học bằng chồng”, nên ngoài nuôi con, làm việc, bà học hết cấp 2, cấp 3, rồi học lên cao hơn nữa, trở thành mậu dịch viên xuất sắc, đại biểu Quốc hội.

Hạnh phúc nhất là trong hành trình học tập của bà An Vinh luôn có chồng ủng hộ. Tác giả Hoàng Nam Tiến cho biết, khi đọc những bức thư của cha mẹ, ông tìm thấy rất nhiều bài học, nhất là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành, sẻ chia và đặc biệt luôn tin tưởng vào tình yêu...

Là người biên tập cuốn sách “Thư cho em”, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chia sẻ, để kể cho ra một câu chuyện dựa trên các lá thư xâu chuỗi không đơn giản, mà dễ sa vào nhàm chán. Song, tác giả Hoàng Nam Tiến đã khâu nối bằng những ký ức, kỷ niệm, tình cảm của mình với cha mẹ suốt từ thuở ấu thơ cho đến nay, tạo nên một tác phẩm sống động, hấp dẫn.

Cuốn sách “Thư cho em” không chỉ lưu giữ ký ức của tác giả và gia đình, mà còn chia sẻ với các bạn trẻ hôm nay về một thời đại anh hùng và lãng mạn; tiếp thêm sự lạc quan, yêu đời và ý thức vươn lên trong mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện tình tướng trận qua những lá thư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.