(HNM) - “4h30 - Xin mời quý khách có vé đi tàu 51501 vào ga, lên đoàn tàu đang đỗ trên đường sắt số 1…”. Tiếng loa của Ga Yên Viên (Hà Nội) hướng dẫn hành khách lên chuyến tàu đi Hạ Long, hành trình mà phút khởi hành chỉ có tôi là khách duy nhất…
Trải nghiệm đặc biệt
Nhà cách Ga Yên Viên chừng 13km nên khoảng 4h sáng, tôi đã phải xuất phát để kịp giờ tàu chạy là 4h55. Khác với Ga Hà Nội, hành khách đông đúc suốt ngày đêm, tại Ga Yên Viên lúc 4h15, trước thời điểm tàu chạy chừng 40 phút, không gian vẫn tĩnh lặng.
Bốc xếp hàng hóa lên tàu. |
Phòng đợi tàu vốn phải là nơi thường xuyên sáng đèn, nhưng đến 4h30 vẫn khóa cửa. Hành khách đến sớm ngồi chờ tàu ngoài hành lang. Chợt thấy một người đang nằm trên tấm bạt mỏng trải dưới đất, tôi đoán có thể là người đồng hành cùng tôi trên chuyến tàu số hiệu 51501. Nhưng hóa ra, tôi là hành khách duy nhất của đoàn tàu 2 toa, hơn 124 ghế khi nó khởi hành.
Toa tàu tối như mực. Ánh điện cao áp lọt qua tấm lướt sắt trên cửa sổ khiến người ta phải rất khó khăn mới nhìn rõ xung quanh. Chị Ngát, nhân viên phục vụ tàu 51501, mong tôi thông cảm vì mấy ngày nay toa phát điện gặp sự cố, phải kéo đi khắc phục nên chuyến tàu hôm nay sẽ không có điện.
Chị Ngát cầm chiếc đèn pin đến đặt trên chiếc bàn nhỏ của hành khách “Chị để đây cho sáng nhé. Đợi một chút, mặt trời mọc sẽ rõ ngay thôi”.
Đúng 4h55, tàu 51501 chuyển bánh. Lúc này, một đoàn tàu khác mang số hiệu SP4 (xuất phát từ Lào Cai về Ga Hà Nội) cũng tới Yên Viên. Từ ô cửa chật chội, nhìn sang đoàn tàu du lịch giường nằm, đầy đủ tiện nghi cùng ánh đèn lấp lánh hắt ra, trên toa nhiều người đang gọi nhau thu dọn hành lý, tôi càng cảm nhận rõ sự tương phản đang hiện hữu. Hai đoàn tàu cứ chạy ngược hướng, xa dần rồi mất hút lúc nào chẳng biết...
Đoàn tàu chạy về hướng Đông Bắc, chẳng mấy chốc đã thấy bình minh ửng hồng nơi chân trời. Sau khi thu xếp xong công việc, anh Ngô Văn Vũ, Trưởng tàu 51501 Yên Viên - Hạ Long cùng vài đồng nghiệp ngồi uống trà sáng như một cách để bớt đi nỗi buồn tẻ. Họ cũng chẳng nói chuyện quá nhiều và mỗi người đều trầm ngâm nhìn về những hướng khác nhau. Như thường lệ, họ phải thực hiện hành trình hai chiều hơn 14 tiếng đồng hồ.
Trưởng tàu Ngô Văn Vũ chỉ mới ngoài 40 tuổi nhưng mái đầu đã điểm những sợi bạc. Anh Vũ chia sẻ, đoàn tàu chỉ phục vụ mục đích dân sinh, cơ sở vật chất cũ kỹ, trải nghiệm đoàn tàu này chẳng khác nào quay về thời bao cấp, nếu không phải buôn bán thì chẳng ai muốn đi.
Cơ sở hạ tầng đường sắt là đặc thù của tuyến đường sắt Kép - Cái Lân (một phần của tuyến Yên Viên - Hạ Long). Tuyến được thiết kế khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm, trong khi hầu như toàn bộ các tuyến đường sắt hiện nay vẫn sử dụng khổ hẹp 1.000mm. Khổ đường sắt 1.435mm được coi là hiện đại, phương tiện đường sắt chạy khổ 1.435mm thường có tốc độ tối ưu hơn, giảm đáng kể thời gian của hành trình.
Tuy nhiên, giờ đây, cao tốc mới Hải Phòng - Hạ Long đang kết nối với tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ rút ngắn thời gian từ Thủ đô tới Hạ Long xuống chừng 1,5 tiếng, trong khi tàu hỏa là gần 7 tiếng. Thử hỏi, ai sẽ lựa chọn tàu Yên Viên - Hạ Long? Câu trả lời là chỉ có các tiểu thương, người dân dọc tuyến đường sắt chạy qua…
Nhịp điệu của đời sống...
Đi được gần 60km, tàu 51501 đến Ga Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), hàng hóa bắt đầu được chuyển lên tàu. Đoạn đường sắt từ Ga Kép (Lạng Giang) đến Ga Lan Mẫu (Lục Nam) không hề có bất cứ tuyến tỉnh lộ, quốc lộ lớn nào chạy song song nên việc giao lưu, di chuyển của người dân hầu như chủ yếu dựa vào tàu hỏa.
Chẳng thế, chưa đầy 20km nhưng đây là nơi lượng khách và hàng hóa đi tàu đông nhất. Đến mỗi ga, mỗi tiểu thương chọn sẵn một ô cửa sổ rồi nhanh chóng nhận những bao tải rau củ, bánh đa..., xếp lên ghế ngồi. Có người phụ nữ đứng dưới sân ga, lo lắng hàng hóa bị hư hỏng, chạy lên toa xe để kiểm tra nhưng đang loay hoay, tàu lại chạy mất. Chị Ngát, phục vụ trên tàu lại la lớn cùng các nhân viên nam hãm phanh khẩn cấp để đoàn tàu dừng lại cho người phụ nữ ấy xuống.
Sau hơn 6 tiếng, cuối cùng tàu về đến Ga Hạ Long. Ga cách trung tâm TP Hạ Long khoảng 7km, đồng nghĩa, hành khách sẽ phải sử dụng phương tiện trung chuyển vào nội đô. Bước ra sảnh lớn, không một bóng người, quầy bán vé cũng chẳng thấy nhân viên trực. Ra cửa lớn, một chiếc taxi biết đến giờ tàu về nên ghé xem có khách hay không nhưng hôm nay có lẽ giống nhiều ngày khác, chiếc taxi lặng lẽ rời đi mà chẳng tìm thấy nổi hành khách nào…
Tàu quay về Hà Nội, chính xác hơn là Ga Yên Viên, sẽ khởi hành lúc 13h50, tôi quay trở lại đây vào khoảng 13h30, chợ sân Ga Hạ Long vẫn chưa tàn nhưng cơ bản những người buôn bán theo tàu xuống đây vào buổi sáng đã dọn dẹp để kịp theo tàu về trong ngày. Gần thời điểm tàu số hiệu 51502 (Hạ Long - Yên Viên) xuất phát, những chỗ ngồi trống trên toa xe dần được lấp kín. Đoàn tàu lăn bánh quay về Thủ đô, mang theo sự náo nhiệt ngắn ngủi khỏi nhà ga nghìn tỷ nhưng chỉ đón 2 chuyến tàu khách mỗi ngày.
Tàu chạy từ Hạ Long càng về gần Ga Kép (nơi đánh dấu sự đông đúc buổi sáng) càng vắng vẻ, chẳng mấy chốc hàng ghế gỗ cũ kỹ lại lộ ra trống trải. Nắng nhạt dần rồi tắt hẳn. Về đến Ga Kép, chị Ngát lại cầm đèn pin để thắp sáng toa xe nhưng sáng hay tối không còn quan trọng bởi có lẽ ai cũng mong muốn nhanh chóng kết thúc hành trình khắc nghiệt vừa trải qua!
20h35, tàu 51502 về tới ga cuối, kết thúc hành trình đằng đẵng gần 7 tiếng đồng hồ. Hành khách đều nhanh chóng rời khỏi ga, anh Vũ - Trưởng tàu và chị Ngát cũng đã có thể về nhà sum họp cùng gia đình. Chỉ có đoàn tàu Yên Viên - Hạ Long vẫn lặng lẽ nằm lại sân ga để ngày mai lại bắt đầu một hành trình tuy gian khó nhưng vẫn gắn bó mật thiết cùng cuộc sống mưu sinh của biết bao người lao động…
Bất giác, tôi nhớ lại chuyện ở Nhật Bản, có một chuyến tàu được duy trì chỉ với nhiệm vụ chở duy nhất một học sinh tới trường và chỉ dừng hoạt động khi học sinh này chuyển cấp, sang một trường khác. Không phải cái gì cũng có thể đong đếm bằng hiệu quả kinh tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.