Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển nhượng các dự án cao tốc: Giảm đầu tư công

Tuấn Lương| 30/10/2014 06:30

(HNM) - Nhằm giảm đầu tư công, thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, Bộ GTVT đang khẩn trương hiện thực hóa chủ trương bán các dự án cao tốc cho nhà đầu tư ngoại.



Quan điểm của Bộ GTVT là xã hội hóa (XHH) tất cả các công trình, hạng mục có thể, từ sân bay, đường sắt, đường thủy… Từ đó từng bước hình thành một thị trường chuyển nhượng các công trình hạ tầng giao thông có giá trị lớn.

Nguồn: Internet


Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km với quy mô 6 làn xe, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 góp phần khép kín tuyến hành lang quan trọng của tiểu vùng Mê Kông: Vân Nam (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam) hứa hẹn sẽ là dự án hạ tầng đầu tiên được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tháng 10-2014, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính - VIDIFI (đơn vị chủ đầu tư) đã đề nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng hợp đồng BOT cho nhóm đối tác, trong đó đáng chú ý có IL&FS Transportation Networks Limited, nhà đầu tư phát triển hạ tầng lớn nhất tại Ấn Độ, hiện đang đầu tư và khai thác khoảng 10.000km đường bộ theo hình thức BOT và đang theo đuổi một số dự án đầu tư hạ tầng tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Theo ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty VIDIFI, đến thời điểm này, VIDIFI và nhóm nhà đầu tư nói trên đã ký bản ghi nhớ cùng thành lập một pháp nhân mới dưới hình thức công ty cổ phần để tiếp nhận lại dự án cũng như các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đang xây dựng chủ trương, lên phương án cổ phần hóa và thành lập các công ty cổ phần dự án để chuyển nhượng 5 tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD. Trong số này có 3 dự án đã đi vào khai thác, gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai và một phần tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài 320km.

Theo ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty VEC, muốn bán được các dự án đường cao tốc thì điều đầu tiên là dự án đó phải được xã hội ghi nhận. Với những dự án đang khai thác vận hành thì phải xây dựng hình ảnh, đồng thời tiến hành điều tra xã hội lấy phiếu thăm dò. Qua khảo sát, các dự án VEC đang khai thác đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Chỉ riêng cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới đưa vào khai thác từ tháng 9-2014 mỗi ngày thu được 1,5 tỷ đồng tiền phí, sản lượng vận tải tăng hơn 30%. Tuyến TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giảm chi phí vận tải tới 30% và tăng lợi nhuận khai thác đến 30%. Cụ thể, chi phí vận tải của một xe khách từ TP Hồ Chí Minh về Vũng Tàu trước đây hết 1,7 triệu đồng/chuyến, nay chỉ còn 1,3 triệu đồng/chuyến.

Hiện VEC đang nghiên cứu phương án bán dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức khai thác, vận hành, thu phí trong 30 năm; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ bán trong 20 năm sau đó trả lại Nhà nước. Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới phí, giá vé để tính toán khả năng thu hồi vốn đầu tư, tính hiệu quả, an toàn, đồng thời cũng quan tâm đến cơ chế, chính sách. Tổng Công ty VEC sẽ xúc tiến để kêu gọi các nhà đầu tư, thậm chí tính đến cả phương án đưa dự án ra nước ngoài quảng bá, mời gọi.

Tại cuộc họp bàn về chủ trương XHH đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vừa được Bộ GTVT tổ chức ngày 28-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh quan điểm huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực tái cơ cấu đầu tư công mạnh mẽ. Để thực hiện được điều đó, sẽ dùng hạ tầng như "vốn mồi" để tiếp tục phát triển hạ tầng. Cùng với việc khẩn trương xúc tiến chuyển nhượng cao tốc, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề cập tới việc bán các công trình hạ tầng hàng không, đường sắt. Ví dụ như Cảng hàng không Phú Quốc; dự án đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, Hà Nội - Hải Phòng…

Về chủ trương này, ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, trước mắt sẽ tiến hành XHH tuyến đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Nha Trang để có kết quả đánh giá trước khi nhân rộng ra nhiều tuyến khác. Còn theo ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), việc XHH ở khu vực nhà ga sẽ không gặp khó khăn. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở khu vực đường băng bởi hầu hết tại các cảng hàng không, hạng mục này đang dùng chung với các hoạt động quân sự.

Nhận định về chủ trương XHH của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia kinh tế và giao thông cho rằng, chuyển nhượng các dự án lớn này là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ nên không thể làm một sớm một chiều. Tuy nhiên, về mặt quan điểm, chủ trương trên của Bộ GTVT cần được xem là bước đột phá, không đi thì sẽ không thành đường.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng:

Các đơn vị trực thuộc Bộ cần phải thay đổi tư duy về đầu tư hạ tầng bởi chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu Chính phủ thì sẽ thất bại. Chúng ta phải đề xuất được cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, tạo bộ mặt hạ tầng mới theo hướng thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp người dân được hưởng dịch vụ tốt nhất với giá rẻ nhất. Nếu bán cả dự án mà khó thì chia nhỏ dự án ra. Phải tạo cơ chế để nhà đầu tư khai thác tối đa giá trị hạ tầng, như quyền kinh doanh hai bên đường, kinh doanh trạm dừng nghỉ, dịch vụ đi kèm... có như vậy mới bảo đảm người bán có lãi mà dự án vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển nhượng các dự án cao tốc: Giảm đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.