Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên nghiệp và tôn trọng độc giả hơn

Thi Thi| 30/03/2014 06:34

(HNM) - Những năm gần đây, xu thế nhà văn tìm kiếm người minh họa cho tác phẩm của mình, cũng như sự chủ động phối hợp giữa họ với nhau ngày một rõ rệt hơn.


Cộng hưởng thú vị

Minh họa sách ngày nay được hiểu không còn chỉ là vẽ các trang bìa hay các trang nội dung nữa mà rộng hơn, nó gồm rất nhiều công đoạn tỉ mỉ khác liên quan mỹ thuật cuốn sách. Và rõ ràng sự phối hợp giữa phần nội dung của nhà văn với phần minh họa của họa sĩ đã tạo nên sự cộng hưởng thú vị.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã tự minh họa cho ba cuốn sách của mình.


Nói đến minh họa thì mảng sách cho thiếu nhi là sử dụng khâu này nhiều nhất. Trong đó, ở NXB Kim Đồng, họa sĩ Tạ Huy Long quen thuộc với bạn đọc nhỏ với những bức tranh minh họa cho nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… và nhiều bộ tranh truyện lịch sử khác. Đúng như anh chia sẻ: "Minh họa là phải thẩm thấu tác phẩm cho tốt chứ không phải chỉ vẽ. Nhưng ở ta minh họa sách không những chưa được đào tạo bài bản mà đến nay cũng chưa chuyên nghiệp ở chỗ không có nhiều người theo riêng một mảng ví như chuyên vẽ về thời bao cấp, vẽ cho tuổi mới lớn, hay vẽ về khoa học… Thực tế, có những mảng tìm họa sĩ khó, ví như mảng sách kiến thức. Bởi lẽ vẽ một ngọn hải đăng, một con thuyền, hay một công trình kiến trúc thời cổ đại đòi hỏi anh phải tra cứu, phải hiểu biết để đạt tới độ chính xác cao…".

Mảng sách văn học cho người lớn tuy có sự tự do hơn, nhưng việc tìm kiếm người đồng cảm, chia sẻ với tác phẩm của mình cũng không hẳn dễ. Có những nhà văn đồng thời là họa sĩ minh họa cho chính cuốn sách của mình. Bộ sách 3 cuốn về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý gồm: "Tự nhiên như người Hà Nội", "Ăn phở rất khó thấy ngon" và "Hà Nội là Hà Nội" đều do kiến trúc sư này tự minh họa. Những nét vẽ tạo nên chấm phá rất đáng yêu cho cuốn sách, nhất là khi nó được chính tác giả thể hiện. Mới đây, ca sĩ trẻ Lưu Sơn Minh cũng ra mắt cuốn sách viết về ẩm thực Sài Gòn với phần minh họa do chính em gái tác giả - một sinh viên kiến trúc của TP Hồ Chí Minh thể hiện.

Một xu hướng khác là tìm kiếm những minh họa có từ trước, phù hợp với tác phẩm. Vi Thùy Linh từng cầu kỳ viện đến những bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái do họa sĩ Bùi Thanh Phương cung cấp, rồi tranh của ông nội tác giả là họa sĩ Vi Kiến Minh, người chú là họa sĩ Vi Kiến Thành, hay tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền… để tìm kiếm sự cộng hưởng, đồng điệu cho những cuốn tùy bút gần đây của chị.

Bạn đọc trẻ chắc cũng nhớ cái tên họa sĩ Phan Vũ Linh gắn liền với bộ truyện giả tưởng của Phan Hồn Nhiên. Phan Vũ Linh từng bỏ tiền túi để học về nghệ thuật minh họa sách ở Học viện Nghệ thuật Mỹ. Sự hợp tác liên tục của họ trong bộ sách này cho thấy hướng liên kết nữa giữa các tác giả phần lời và minh họa với nhau để tạo dấu ấn riêng cho tác phẩm.

Tất nhiên, không phải công cuộc hợp tác nào cũng có kết quả mỹ mãn ngay. Nhiều nhà văn cũng rất kỹ càng, cẩn trọng khi lựa chọn minh họa cho tác phẩm của mình. Thậm chí, không vừa ý là họ đề nghị họa sĩ vẽ lại. Cũng có họa sĩ đưa ra nhiều phương án minh họa cho nhà văn lựa chọn… Và rốt cuộc, chọn minh họa nào cũng lại là một công đoạn vừa khó vừa thú vị của nhà văn thời nay.

Độc lập với tác phẩm văn học

Bạn đọc Việt Nam cũng biết đến bộ tranh minh họa nổi tiếng của Iwasaki Chihiro cho cuốn tự truyện được trẻ em yêu thích "Tottochan - cô bé bên cửa sổ". Bộ tranh này được vẽ từ hàng chục năm, trước khi tác phẩm văn học này ra đời. Thậm chí, như diễn viên Tetsuko, tác giả cuốn tự truyện trên nói thì ý tưởng ra đời câu chuyện này cũng là nhờ ở hàng nghìn bức vẽ về những hình ảnh trẻ thơ của Chihiro mà bà tình cờ phát hiện được. Và mới đây, bộ tranh minh họa trong tác phẩm đã được trưng bày trong một triển lãm riêng năm 2013, ở Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.

Như thế là minh họa không những ra đời trước mà còn thúc đẩy sự xuất hiện của tác phẩm văn học, đồng thời tồn tại độc lập như những tác phẩm nghệ thuật riêng biệt.

Nói về điều này, lại nhớ đến cây bút văn xuôi Đỗ Bích Thúy, chị đã sưu tầm các bức vẽ minh họa tác phẩm của mình của họa sĩ Thành Chương và lưu giữ nó như một tác phẩm mỹ thuật độc lập. Đỗ Bích Thúy cũng nói: Mỗi họa sĩ vẽ minh họa có một tạng riêng, có người phản ánh chân phương theo kiểu tác phẩm có gì thì thể hiện nấy, nhưng cũng có họa sĩ thể hiện cảm nhận của họ về tác phẩm mà thoạt nhìn thấy chả liên quan gì đến câu chuyện, đến nhân vật. Vẽ minh họa cho tác phẩm văn học cũng là một cái thú của họa sĩ, chứ nếu nói về nhuận bút thì không ai sống được. Có họa sĩ có tranh bán tính bằng hàng nghìn đô nhưng vẫn cặm cụi ngồi vẽ minh họa cho tác phẩm văn học với mức "nhuận vẽ" 1-2 trăm nghìn đồng.

Rõ ràng, dù xu thế hợp tác trên được chú trọng và vẽ minh họa ngày một hướng tới sự chuyên nghiệp, thậm chí độc lập như một tác phẩm nghệ thuật riêng song nghề này ở ta trong các quy định vẫn rất lạc hậu. Mức trả nhuận bút cho mỗi bức minh họa rơi vào 70-100.000 đồng cho đen trắng và 400-500.000 đồng cho một bức tranh mầu. Ngay cả khi ấy thì vẫn có nhiều điểm bất cập ví như theo giới họa sĩ, vẽ đen trắng nhiều khi còn khó và giá trị hơn vẽ mầu hoặc với một bức vẽ cũng không thể tính là nửa trang A4 thì ít tiền hơn cả trang… Tới đây, thực là đã chạm tới câu chuyện chính sách chung đối với văn học - nghệ thuật. Nhưng chờ thay đổi thì còn dài, nên họa sĩ tốt nhất vẫn cứ phải chủ động cống hiến và tự mình tạo dựng vị thế nghề nghiệp trong lòng độc giả vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên nghiệp và tôn trọng độc giả hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.