(HNM) - Gần đây, những sự kiện thể thao diễn ra tại Việt Nam xuất hiện với tần suất ngày một lớn, ở cả quy mô quốc gia và quốc tế. Với mục tiêu đưa thể thao trở thành ngành kinh tế thực thụ, mang lại lợi ích cao cho doanh nghiệp, vận động viên, việc chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị thể thao vẫn luôn là vấn đề cấp thiết.
Cần thiết phải xã hội hóa
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, thể dục, thể thao được xem như là một lĩnh vực hoạt động xã hội mang tính phi kinh tế, phi kinh doanh. Vì vậy, việc tổ chức các giải đấu thể thao vẫn phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ ngân sách do Nhà nước cấp. Đơn cử như Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022 diễn ra tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành phố vừa qua, kinh phí tổ chức được Nhà nước phê duyệt là 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản kinh phí này được phân bổ đến Ban Tổ chức Đại hội vào sát ngày các môn thi đấu khởi tranh hoặc cả khi một số môn đã khởi tranh, làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức giải.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), kiêm Trưởng tiểu ban chuyên môn kỹ thuật Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX Trần Đức Phấn cho biết, một số môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX đã kết thúc trước lễ khai mạc đại hội, như: Bắn súng, đua thuyền rowing, karate, nhảy cầu, bóng rổ 5x5, kickboxing... khi kinh phí tổ chức thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc chưa về đến Ban tổ chức Các bộ môn này tổ chức thi đấu bằng nguồn ngân sách được cấp cho Tổng cục để phục vụ hoạt động hằng năm của từng bộ môn.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Đặng Hà Việt, có nhiều nguyên nhân khiến kinh phí tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc chậm được phê duyệt. Trong đó, phải cần nhiều thời gian để thực hiện đấu thầu những gói thầu lớn, nhằm hạn chế nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước.
Rõ ràng, ở đây, việc chỉ trông vào nguồn kinh phí nhà nước trong tổ chức Đại hội cũng tạo ra sự bị động nhất định. Trong đó, nếu làm tốt về kinh tế thể thao thì Đại hội thậm chí còn là nơi mang thêm nguồn thu đủ bù chi cho Ban Tổ chức.
Ông Đặng Hà Việt cũng cho biết thêm, kinh tế thể thao đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, đem lại nguồn thu, tăng việc làm và năng suất, tạo ra những giá trị xã hội tích cực. Vấn đề hiện tại là sự nhìn nhận của xã hội về vai trò của kinh tế thể thao vẫn chưa đúng mức. Bản thân trong ngành Thể thao cũng chưa có nhiều chiến dịch truyền thông để tất cả hiểu đúng, hiểu đủ những giá trị mà kinh tế thể thao mang lại cho xã hội. Điều đó cũng tạo nên hạn chế nhất định trong việc chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị thể thao hiện nay.
Tự tin ở "sân chơi" kinh doanh thể thao
Trưởng ban Giáo dục (Ủy ban Olympic Việt Nam) Lâm Quang Thành cho rằng, muốn phát triển kinh tế thể thao, cần tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính, bổ sung cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho biết, mới đây, Tổng cục đã phối hợp Công ty WLS (Công ty chuyên kinh doanh tiếp thị thể thao Việt Nam) tổ chức lễ ký kết biên bản hợp tác với 6 đối tác quốc tế để xúc tiến tổ chức các sự kiện thể thao quy mô lớn tại Việt Nam ở các môn thể thao mới, như: Lướt ván dù, đua xuồng máy tốc độ cao, mô tô nước, mô tô địa hình… đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, qua lễ ký kết này, Học viện Thể thao Romania đã đồng ý hợp tác hỗ trợ các huấn luyện viên, vận động viên Việt Nam ở hai môn đấu kiếm và thể dục dụng cụ.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Đặng Hà Việt cho hay, bên cạnh nguồn kinh phí bằng ngân sách nhà nước, ngành Thể thao cần chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị, kêu gọi các doanh nghiệp, liên đoàn, hiệp hội thể thao tham gia tổ chức các giải đấu lớn. Có như vậy, thể thao Việt Nam mới có nguồn lực nâng cao mức lương, thưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên. Đồng thời, qua đó nâng cao chất lượng các giải đấu, thu hút đông đảo khán giả, thu hút quảng cáo, thu phí từ bản quyền truyền hình, vé, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thể thao…
Ông Đặng Hà Việt cũng hy vọng, qua các giải đấu quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam trong thời gian tới, ngành Thể thao sẽ thu nhận được những kinh nghiệm thực hành xuất sắc nhất của kinh doanh và tiếp thị thể thao đỉnh cao thế giới. Đặc biệt, giới kinh doanh thể thao Việt Nam sẽ xây dựng mối quan hệ với những đối tác quốc tế đáng tin cậy, tự tin khẳng định mình ở "sân chơi" kinh doanh thể thao. Từ đó, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn cũng như tạo nên hệ thống thi đấu quốc gia chất lượng cao trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.