Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên nghiệp, hiện đại

Bắc Vũ| 24/12/2022 06:36

(HNM) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành Du lịch nước ta trong hơn 2 năm qua. Nhưng trên hết, đã giúp chúng ta nhận ra nhiều điểm “nghẽn”, nhất là trong việc thu hút du khách quốc tế.

Phân tích cụ thể hơn về nhận định nêu trên, chúng ta cần nhìn lại quá trình và những con số đạt được của ngành Du lịch trong năm 2022. Ngày 15-3-2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch; đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến dịch Covid-19. Chúng ta đã chủ động “đi trước”, nhưng kết quả đạt được so với các nước trong khu vực lại chưa đạt kết quả như mong đợi. Đó là lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm; chỉ số phục hồi du lịch năm 2022 so với năm 2019 đạt 18,1%, chỉ đứng thứ 7 trong ASEAN…

Bỏ qua các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan cần làm rõ chính là những khó khăn, điểm yếu nội tại đã khiến ngành Du lịch nước ta chưa có khả năng cạnh tranh cao. Nói cụ thể hơn, đó là việc cơ cấu thị trường khách chưa thực sự phù hợp; hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; việc liên kết phát triển du lịch mới ở bước đầu, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp; thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch cục bộ, nhất là nhân lực trình độ cao…

Ngành Du lịch đặt mục tiêu năm 2023 đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu đạt khoảng 650.000 tỷ đồng. Nếu so với kết quả năm 2022, việc đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 là một đột phá, đòi hỏi quyết tâm rất lớn của ngành Du lịch và các cấp, ngành, địa phương trong cả nước.

Hiện thực hóa mục tiêu này, một mặt, ngành Du lịch phải từng bước khắc phục cho được những khó khăn, thách thức nội tại; mặt khác phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để Việt Nam thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi.

Việc quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch hậu Covid-19. Theo đó, cần tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị; du lịch nghỉ dưỡng…

Cùng với đó, tăng cường hợp tác công - tư, phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ liên kết, phát triển du lịch; hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp lớn, tạo nguồn lực triển khai các chương trình, hoạt động liên kết cụ thể. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong đào tạo nhân lực du lịch, chú trọng nâng cao kỹ năng nghề du lịch…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách về áp dụng thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh; thời gian tạm trú đối với khách quốc tế; chính sách thuế; mở rộng các đường bay quốc tế…

Để đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp quan trọng ngành Du lịch cần thực hiện là bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyên nghiệp, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.