(HNM) - Cuối tuần này, Nhà hát Kịch Việt Nam cho ra mắt vở “Chuyện nàng Kiều” dựa theo kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. Một lần nữa tác phẩm tầm vóc này lại thu hút người làm nghệ thuật dấn bước và đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Anh Tú đã dựng vở với những lát cắt mới về nghệ thuật để hấp dẫn công chúng hơn.
Một cảnh trong vở “Chuyện nàng Kiều”. |
Chọn điểm nhấn nào, thông điệp gì trước một tác phẩm đồ sộ, có quá nhiều sự kiện, tình huống ấy để không bị loãng, không bị thành minh họa cho kiệt tác là điều đau đầu nhất của ê kíp dàn dựng. Đạo diễn Anh Tú nói rằng, anh không dựng lại toàn bộ tác phẩm “Truyện Kiều” mà chỉ dừng ở đoạn Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn, để tác phẩm chỉ gói gọn trong hơn 2 giờ. Và khán giả sẽ thấy 3 điểm nổi bật trong “Chuyện nàng Kiều”: Một là phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công và tàn bạo đã đẩy con người, nhất là phụ nữ vào bất hạnh; hai là tạo nên bài ca ca ngợi vẻ đẹp con người, dù rằng cái đẹp ấy rất mong manh; ba là làm rõ tính dự báo từ kiệt tác của Nguyễn Du, khi quyền lực và đồng tiền không chân chính lên ngôi thì sẽ làm đảo lộn, kéo đổ cả những giá trị tốt đẹp của xã hội. Đạo diễn chọn cách bám sát nội dung của tác phẩm, đủ bấy nhiêu nhân vật, như một dụng ý, truyền tải chuyện nàng Kiều chính xác đến người xem, nhất là khán giả trẻ.
NSND Anh Tú vốn là đạo diễn của những mảng miếng, kịch tính nhưng với “Chuyện nàng Kiều”, anh cho rằng mình đã khai thác kỹ chất thơ đẹp nhất trong “Truyện Kiều”. Những lời thơ khi đọc, khi ngâm, khi hát, xen cùng lời thoại là một thử nghiệm mới, tạo sự uyển chuyển và mềm mại cho vở diễn, như đạo diễn nói: “Thơ nâng kịch lên và kịch chắp cho thơ đôi cánh”.
Kịch bản được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể, nhưng để phát triển thành một tác phẩm sân khấu thì suốt 3 tháng qua, đạo diễn và 60 diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam đã phải “ăn ngủ” cùng vở để sáng tạo cho phù hợp. Đây là vở diễn thử nghiệm khi kết hợp với những hình thức hát, múa và biểu diễn hình thể. Khi dựng, đạo diễn tâm niệm phải dựng tác phẩm thuần Việt nên chất Việt thấy rõ trong từng chi tiết ở trang phục, những đồng tiền cách điệu trên áo viên quan, đến cánh bướm rập rờn ở trang phục Sở Khanh, Tú bà… toát lên tính cách của mỗi nhân vật.
Ngoài ra, đạo diễn còn khéo léo đưa múa bài bông - một điệu múa cổ của đất Thăng Long vào vở diễn. Âm nhạc được nhạc sĩ Giáng Son chăm chút, đậm chất dân gian mà vẫn giàu tính đương đại. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Như Lai đảm nhiệm phần biên đạo hình thể. Phần sân khấu được NSƯT Lê Sơn thiết kế với hình ảnh hoa sen làm chủ đạo, ban đầu hé mở, khi sung mãn, bung tỏa, lúc héo úa, tàn khô… như hàm ý về cuộc đời con người luôn dâng hiến cái đẹp, cái tinh túy nhất cho đời.
Qua trích đoạn diễn cho báo giới trước thời điểm ra mắt, có thể thấy các vai nổi bật ngay từ phút đầu, thấy đúng là Tú bà (NSƯT Thúy Phương), Mã Giám Sinh (Mai Nguyên), Sở Khanh (Minh Hiếu), Hoạn Thư (Phương Nga)… Những vai trọng tâm dành hầu hết cho diễn viên trẻ của Nhà hát: Diễm Hương vai Thúy Kiều, Tô Dũng vai Kim Trọng, Quỳnh Hoa vai Thúy Vân, Tạ Minh vai Từ Hải. Diễm Hương được chọn là nhân vật chính có nhiều bất ngờ bởi đường nét sắc sảo, tính cách mạnh mẽ, lại thường xuất hiện trong các tiểu phẩm hài. Nhưng sau một thời gian Diễm Hương tự tin hơn, bởi nàng Kiều theo dụng ý của đạo diễn là không chỉ đẹp bề ngoài mà còn là vẻ đẹp nội tâm, cần nhất diễn được cái nội tâm ấy. Nàng Kiều sẽ rất đời, cũng bị mê hoặc trước cái đẹp, có lúc hiền thục, có lúc bùng lên đấu tranh... nên khán giả cần xem trọn vẹn vở kịch thay vì kỳ vọng về một diễn viên...
Với nhiều thử nghiệm mới, Nhà hát Kịch Việt Nam không giấu tham vọng tạo kịch “bom tấn” cho sân khấu từ “Chuyện nàng Kiều”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.