Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện một thời xa vắng

Văn Ngọc Thủy| 04/10/2017 06:16

(HNM) - Cụ Hoàng Văn Thược năm nay đã 85 tuổi, nhưng vẫn còn tinh anh lắm. Hằng ngày, ngoài thời gian chăm sóc vườn thuốc Nam, cụ vẫn đạp xe lên Bờ Hồ, ra phố Huế thăm bạn già, mua bán đôi thứ... Hà Nội đã đổi thay nhiều, cả ngôi làng Đại Yên cũng đã khác xưa nhiều lắm, mà ở đó nghề thuốc Nam của dân làng


Cổng làng có chợ thuốc Nam

Khách từ xa đến, không khó để tìm thấy cổng làng Đại Yên, nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Cái cổng làng cả trăm năm tuổi ấy giờ được tôn tạo, sơn thếp không còn rêu phong, nhưng nếp sinh hoạt của dân làng thì hầu như vẫn không thay đổi.

Người dân chọn mua lá thuốc tại khu vực cổng làng Đại Yên. Ảnh: Anh Tuấn



Nói không đổi vì cứ buổi chiều, chợ thuốc Nam lại họp bên cổng làng và xuyên suốt qua nhiều thế kỷ. Theo đó, vào mỗi buổi chiều hằng ngày, các bà, các cô, các chị khắp vùng vẫn xúm xít mua hương nhu, lá bưởi, lá cúc tần, lá khổ sâm..., nhất là các loại lá xông để giải cảm, hay các loại lá vốn là các bài thuốc dân gian chữa xương khớp, viêm họng, tiêu độc, mát gan, lợi sữa... Với nhiều bà, nhiều cô, các bài thuốc dân gian làm mượt tóc, đẹp da từ các loại lá có sẵn trong vườn của người làng Đại Yên đã gắn liền với những ký ức đẹp của họ. Nhưng nay, do đô thị hóa "đất chật, người đông", giờ phần nhiều người Đại Yên mua các loại lá thuốc từ các vùng ngoại thành và địa phương khác về bán. Và gọi là chợ, nhưng giờ chỉ còn độ dăm hàng bán các loại lá.

Tìm về Đại Yên, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Hòa và được dẫn về ngôi nhà hai tầng khang trang kế bên cổng làng. Giọng bà Hòa xởi lởi: “Tôi là con gái làng Đại Yên. Nghề này được mẹ tôi truyền lại cho mấy chị em gái và gia đình làm thuốc Nam cũng đã mấy đời. Trước đây, vườn nhà tôi luôn có các đoàn sinh viên của Đại học Dược đến tìm hiểu, nhận biết các loại cây thuốc. Mẹ tôi cũng là người thạo nhiều vị thuốc Nam, bốc thuốc mát tay có tiếng. Nay thì không còn đất để trồng cây thuốc nữa. Vườn đã thành nhà, hằng ngày tôi nhập các loại lá thuốc từ Hưng Yên, về phân loại thành bó, hoặc phơi khô bán cho khách gần xa. Dù làng không còn đất, nhưng thương hiệu thuốc Nam Đại Yên vẫn còn nhiều người biết tiếng, nên trong làng chỉ còn vài người như tôi tiếc nghề cha ông mà vẫn túc tắc làm, dù không còn sống được với nghề nữa...”. Hỏi thăm bà Hòa trong làng gia đình nào còn vườn trồng cây thuốc, bà chỉ chúng tôi đến nhà cụ Thược, người có ngôi nhà được mệnh danh “rộng nhất làng”.

Lòng vòng một hồi lâu qua những con ngõ nhỏ quanh co của làng Đại Yên, chúng tôi cũng tìm được khu vườn rộng cả nghìn mét vuông của gia đình cụ Thược. Khu vườn trồng rất nhiều loại cây, cây nào cũng là vị thuốc. Cây khổ sâm chữa bệnh đường ruột; cây lá lốt phối hợp chữa bệnh xương khớp; cây rau má hạ sốt, giải độc, làm lành vết thương; cây lô hội làm đẹp da, chữa bỏng; cây lá nếp (còn được gọi là trà sâm dứa) vừa tạo hương thơm cho các món xôi, chè, vừa thanh nhiệt, giải độc... Vườn có hàng chục vị thuốc, nhưng cụ Thược quý nhất là gốc "đơn tướng quân" cổ thụ. Năm nay cụ 85 tuổi thì cây "đơn tướng quân" cũng hơn 70 tuổi được chính tay cụ trồng từ khi còn là một cậu bé. Cây này chữa ho, viêm họng rất hiệu nghiệm.

Trong câu chuyện với khách, cụ Thược kể về gia đình 10 người con: 8 trai, 2 gái; hiện ba gia đình con cháu đang sống cùng hai cụ. Trên thửa đất rộng, ngoài khu vườn xanh mướt chỉ có ba dãy nhà cấp 4 lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng của hàng xóm, nơi vài năm trước còn là vườn thuốc Nam. Cụ Thược thoáng trầm ngâm: “Nhiều người trong làng bảo tôi gàn, bán đi độ 50m2 đất thì thoải mái chi tiêu, tằn tiện chi cho khổ. Nhưng, mảnh đất này từ thời ông nội tôi trồng thuốc, bố tôi cũng giữ lại trọn vẹn cho con cái, tôi làm sao bán được. Vườn nhà trồng nhiều cây chữa được bệnh, ai mua thì bán, ai xin thì cho. Giờ tôi còn khỏe, còn trồng, còn chăm được thì cứ làm thôi...”.

Nặng lòng với nghề xưa

Sử sách của làng Đại Yên còn ghi, vào thời nhà Lý, thế kỷ XI, một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi đã rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Quân lính của Lý Thường Kiệt đi qua đây bị mắc bệnh nhiều, đã được cô chữa trị và nhờ đó quân ta đã đánh thắng giặc. Ngọc Tường được nhà vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa Công chúa, nhưng vì nhớ mẹ, cô đã trở lại quê nhà là làng Đại Bi (Đại Yên ngày nay) và truyền lại nghề thuốc cho dân. Cũng bởi thế, người làm nghề này ở làng đa phần là phụ nữ. Cứ đúng dịp 14 tháng Ba âm lịch, dân làng Đại Yên lại tổ chức hội làng linh đình, con cháu tề tựu đông đủ, tưởng nhớ công lao của Ngọc Hoa Công chúa, đồng thời nhắc nhở thế hệ sau tiếp tục gìn giữ nghề quý.

Theo lời các bậc cao niên, trước đây ở Đại Yên, gia đình nào cũng có một vườn cây thuốc. Những năm 70-80 của thế kỷ XX, cả làng là vựa thuốc Đông dược cung cấp cho các nơi như Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và được bày bán hầu khắp các chợ vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Kinh nghiệm bốc thuốc của người làng được ông bà, cha mẹ truyền lại từ tấm bé. Các trò chơi của trẻ làng ngày trước là thách nhau tìm các loại lá thuốc quanh làng, rồi đố nhau gọi tên. Chính những trò chơi tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm thức người làng những kinh nghiệm quý báu, nên thậm chí có những cụ bà dù nhắm mắt, vẫn có thể nói được mình cầm loại lá gì và chữa được những bệnh nào…

Làng Đại Yên xưa giờ đã trở thành khu dân cư của 10 tổ dân phố thuộc phường Ngọc Hà. Bây giờ, đất vườn hầu khắp đã biến thành nhà, chẳng còn mấy người mặn mà với nghề cũ. Bà Đào Thị Thu Bằng, cán bộ văn hóa - thông tin phường Ngọc Hà chia sẻ: “Trong làng giờ chẳng còn mấy nhà trồng cây thuốc. Những người con gái của làng năm xưa được mệnh danh là “kho bài thuốc” như cụ Dần giờ cũng đã yếu, nhường lại gánh hàng cho con gái. Gắn bó nhất với chợ thuốc đầu làng giờ có lẽ là chị Đỗ Thị Thủy thì nay cũng đã 50 tuổi. Người ta chuyển nghề này, nghề kia trở nên giàu sang nhưng chị Thủy vẫn gắn bó với những kiến thức học được từ người mẹ và gắng tìm hiểu thêm, tìm đất vườn nơi khác trồng cây thuốc rồi mang về làng. Thế nên, gần cổng làng, gian hàng thuốc nam của chị Thủy luôn đông khách nhất. Hầu hết các loại bệnh đều được chị tư vấn cẩn thận, nhất là dịp này - tiết giao mùa, người già, trẻ em rất hay cảm lạnh”.

Với nhiều người ở làng Đại Yên, cái mùi thơm thơm, ngai ngái của hương nhu, cúc tần, ngải cứu... đã thân quen từ lúc mới sinh, xa là thấy nhớ. Vì vậy, dù không còn đất nhưng nhiều gia đình đã bỏ cả chục triệu đồng cải tạo ban công, sân thượng để trồng cây thuốc Nam, không phải để bán mà để dùng và giúp những người thân quen. Đô thị hóa là một quá trình tất yếu, nhưng với không ít người Đại Yên hẳn rằng cho đến khi không còn mảnh vườn nào nữa, khu chợ thuốc Nam độc đáo ấy chắc chắn vẫn còn chính bởi những người con của làng còn nặng lòng với nghề cũ của tổ tiên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện một thời xa vắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.