Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Chuyện lạ" ở khu công nghiệp (tiếp theo và hết)

Thiện Mỹ| 17/01/2017 07:24

(HNM) - Bước vào KCN Thạch Thất - Quốc Oai, dễ dàng nhận ra KCN này chia làm hai phần khác biệt. Phần thuộc địa phận xã Phùng Xá (76ha) với hạ tầng sạch đẹp, vỉa hè và đường đi thường xuyên có người quét dọn. Nhưng phần đất thuộc thị trấn Quốc Oai (72ha) thì rác vương vãi, hàng quán nhếch nhác.

(HNM) - Bước vào KCN Thạch Thất - Quốc Oai, dễ dàng nhận ra KCN này chia làm hai phần khác biệt. Phần thuộc địa phận xã Phùng Xá (76ha) với hạ tầng sạch đẹp, vỉa hè và đường đi thường xuyên có người quét dọn. Nhưng phần đất thuộc thị trấn Quốc Oai (72ha) thì rác vương vãi, hàng quán nhếch nhác. Chưa kể, đường còn chưa được kẻ vạch sơn và lắp đặt biển báo an toàn giao thông, điện chiếu sáng, trạm biến áp… Có sự khác biệt đó là bởi phần diện tích thuộc xã Phùng Xá do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hà Tây (Công ty Hà Tây) tiếp nhận và quản lý; còn phần đất thuộc thị trấn Quốc Oai trước đây vẫn do UBND huyện Quốc Oai quản lý.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, tháng 9-2016, UBND huyện Quốc Oai đã bàn giao phần diện tích quản lý cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố và đơn vị nhận bàn giao là Công ty Hà Tây. Theo biên bản bàn giao ngày 16-9-2016, UBND huyện Quốc Oai có trách nhiệm tính toán, cân đối, thu hồi các khoản tạm ứng để chuyển cho Công ty Hà Tây số tiền đang quản lý và tổ chức giải tỏa các lều lán trong KCN trước ngày 30-9-2016... Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban Quản lý KCN Thạch Thất - Quốc Oai (Công ty Hà Tây) cho biết: Công ty chưa nhận được tiền do huyện Quốc Oai chuyển và cũng chưa tiếp nhận việc giải tỏa lều lán của huyện Quốc Oai.

Trong khi đó, đại diện UBND huyện Quốc Oai lại cho hay: UBND huyện đã giải tỏa lều lán nhưng Công ty Hà Tây không tiếp nhận vì các doanh nghiệp trong KCN chưa ký hợp đồng cung ứng dịch vụ hạ tầng với Công ty? Được biết, Công ty Hà Tây đã hai lần gửi công văn và hợp đồng cung ứng dịch vụ hạ tầng đến các doanh nghiệp, nhưng chỉ có 5/37 doanh nghiệp ký, cho dù trước đó UBND huyện Quốc Oai và Ban Quản lý các KCN và chế xuất thành phố đã họp với các doanh nghiệp, thông báo rõ chuyển giao quản lý từ UBND huyện sang Công ty Hà Tây. Theo Điều lệ của KCN đã được UBND thành phố phê duyệt thì các doanh nghiệp hoạt động trong KCN phải ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị quản lý hạ tầng, dịch vụ công cộng… nhưng các doanh nghiệp chưa ký.

Câu chuyện nộp phí không chỉ là chuyện riêng ở KCN Thạch Thất - Quốc Oai mà cũng là vấn đề đau đầu tại KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ). Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý KCN Phú Nghĩa cho biết: KCN Phú Nghĩa hình thành trên cơ sở sáp nhập từ các cụm, điểm công nghiệp Nam Phú Nghĩa, Bắc Phú Nghĩa, Tiên Phương và Phú Nghĩa. Cụm công nghiệp Bắc Phú Nghĩa được UBND huyện Chương Mỹ giao toàn bộ mặt bằng quy hoạch sử dụng đất cho các doanh nghiệp tự san lấp, lắp đặt dây cấp điện và trạm biến áp bằng nguồn kinh phí của các doanh nghiệp để xây dựng nhà máy trong ô đất được giao từ năm 2003. Các hạ tầng kỹ thuật còn lại của cụm công nghiệp như: Hệ thống giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống điện chiếu sáng chưa được thực hiện, các doanh nghiệp buộc phải tự làm đường tạm phục vụ cho hoạt động của mình.


Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


Năm 2009, sau khi Tập đoàn Phú Mỹ tiếp nhận Cụm công nghiệp Bắc Phú Nghĩa vào khu công nghiệp đã tiếp tục hoàn thiện phần hạ tầng kỹ thuật còn thiếu; đồng thời UBND huyện Chương Mỹ còn lập danh sách các doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Phú Nghĩa phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và đấu nối với KCN. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay chỉ có 10/19 doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, 9 doanh nghiệp còn lại không hợp tác vì cho rằng trước đó họ đã phải tự đầu tư mặt bằng sản xuất. Chính vì thế 9 doanh nghiệp này chưa đấu nối hạ tầng kỹ thuật vào hệ thống hạ tầng chung của KCN và đang xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Tương tự, KCN Quang Minh, huyện Mê Linh cũng còn 16 doanh nghiệp chưa nộp phí vì cho rằng trước đây họ phải tự bỏ kinh phí đầu tư một phần hạ tầng và đơn vị quản lý hạ tầng áp mức phí quá cao. Thậm chí, có doanh nghiệp còn bị đơn vị quản lý hạ tầng tính lãi suất chậm trả cả chục năm nay và số tiền phải trả hiện nay có thể cao gấp đôi so với thời điểm “ghi nợ” ban đầu…

Nhìn nhận về những tồn tại trong nộp phí hạ tầng tại các KCN, ông Lê Quang Long, Phó ban Quản lý các KCN và chế xuất thành phố cho biết: Những doanh nghiệp không nộp phí dịch vụ và phí nâng cấp hạ tầng thường hoạt động trong những KCN được nâng cấp từ cụm, điểm công nghiệp lên thành KCN. Nghĩa vụ nộp phí quản lý hạ tầng và các dịch vụ công cộng cũng như phí nâng cấp, cải tạo hạ tầng đã được quy định, ràng buộc giữa các bên thông qua hợp đồng và điều lệ của từng KCN. Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội là đơn vị quản lý nhà nước, không có chức năng ép các doanh nghiệp phải trả phí cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN báo cáo khó khăn, Ban luôn là đơn vị trung gian, trực tiếp mời các bên đến để đàm phán, thỏa thuận.

“Ban cũng đã nhiều lần mời 25 doanh nghiệp đang hoạt động trong 2 KCN Quang Minh và Phú Nghĩa để bàn bạc, tìm tiếng nói chung giữa các bên nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Khi hoạt động trong KCN, các bên đã ký hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế với nhau, nếu các bên vi phạm hợp đồng thì tòa án sẽ phân xử” - ông Long giải thích.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Theo quy hoạch KCN đã được phê duyệt, tính đến năm 2030 trên địa bàn thành phố sẽ có 33 KCN nhưng hiện mới chỉ có 10 KCN hoạt động. Dự kiến đến năm 2020 thành phố sẽ có thêm 3 KCN nữa. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn bởi công tác giải phóng mặt bằng nhiều nơi không thuận lợi. Ông Vũ Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Hiệp hội Công thương Hà Nội cho biết: Nhu cầu thuê đất để sản xuất của các doanh nghiệp rất lớn nhưng quỹ đất dành cho các KCN ở Hà Nội còn khiêm tốn. Song, để thành lập hay mở rộng các KCN là vấn đề vô cùng nan giải bởi giá đất giải phóng mặt bằng ở Hà Nội quá cao…

Trong khi nhiều doanh nghiệp còn “ngóng” thuê đất trong KCN thì không ít KCN đã được quy hoạch và cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng qua rất nhiều năm vẫn nằm trên giấy. Điển hình là KCN Bắc Thường Tín, được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào danh mục các KCN của cả nước từ năm 2007 với diện tích 470ha. Sau đó, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, do việc mở rộng địa giới Thủ đô nên việc quy hoạch bị chậm lại để chờ phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của thành phố. Đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải chưa hoàn thiện việc cắm mốc chỉ giới đường Vành đai 4 (KCN có vị trí ở khu vực này) tại huyện Thường Tín và theo phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Thường Tín đến năm 2030 thì KCN Bắc Thường Tín chỉ còn 112ha. Hiện UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư KCN điều chỉnh quy hoạch…

Trong thời gian qua, UBND thành phố đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, song nếu không có sự quyết tâm, quyết liệt vào cuộc của các cấp và chủ đầu tư KCN thì công tác giải phóng mặt bằng cũng như những khó khăn khác sẽ vẫn là những trở ngại khó vượt qua. Cộng đồng trách nhiệm và tuân thủ pháp luật là những vấn đề mà các doanh nghiệp trong KCN và các đơn vị quản lý hạ tầng phải cùng thực hiện thì mới có thể hướng đến môi trường đầu tư lành mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Chuyện lạ" ở khu công nghiệp (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.