(HNM) - Ngày 20-2, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2014 với quy định hủy bỏ cách tính diện tích sàn chung cư từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ được nêu trong Thông tư 16 ban hành năm 2010, gây tranh cãi gay gắt trong suốt hai năm qua.
Thực tế là khi Thông tư 16 được ban hành, đã có nhiều cuộc tranh cãi và cả tranh chấp gay gắt xảy ra giữa nhiều khách hàng mua căn hộ và giới chủ đầu tư. Ai lợi, ai thiệt cũng đã thấy rõ. Dư luận cho rằng quy định này làm lợi cho các chủ đầu tư, có những tòa nhà "ăn ra" nhiều chục tỷ đồng. Còn người mua nhà phải trả tiền cả những phần diện tích như cột, hộp kỹ thuật... mà họ không sử dụng được và còn phải đóng cả tiền phí dịch vụ hằng tháng cho diện tích đó. Tuy nhiên phải mất đến hai năm Bộ Xây dựng mới "sửa sai", nhưng rõ ràng là quy định không "hồi tố" đang khiến những người đã mua trước đây sẽ phải xót xa chấp nhận thua thiệt. Xung quanh vụ việc này, dư luận không khỏi nghi ngờ, đặt dấu hỏi về khả năng có hay không việc vận động chính sách có lợi cho một nhóm lợi ích? Bởi dù vấn đề đã gây bức xúc từ lâu, nhưng cơ quan quản lý vẫn khăng khăng giữ cách tính của mình. Phải đến sau khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải giải trình thì dường như "lệnh" này mới khiến cho Bộ Xây dựng quyết định "sửa sai" sau khi đã trì hoãn suốt hai năm qua (?).
Trên thực tế, việc một số văn bản pháp quy với các nội dung có lợi cho một số ngành, lĩnh vực được ban hành không phải đến bây giờ dư luận mới đặt ra. Có một tình trạng là không ít cơ chế chính sách do cơ quan quản lý nhà nước ban hành, nhất là đối với các lĩnh vực "nóng" như bất động sản, ô tô, xăng dầu, thuốc chữa bệnh… đã có sự "can thiệp mềm" sao cho mang lại lợi nhất cho một ngành hay một nhóm nào đó. Việc can thiệp có thể đơn giản bằng truyền thông định hướng dư luận, đến cả việc tham mưu, giành lợi thế về các đặc quyền hoặc ưu đãi, mà có khi chỉ cần điều chỉnh thêm bớt 0,001%, cũng đã mang lại cho họ những lợi ích khổng lồ, hoặc có thể loại bỏ đối thủ cạnh tranh ra khỏi thương trường. Tại phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tháng 8-2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng không ngại ngần đề cập đến hiện tượng "vận động chính sách" của các nhóm lợi ích, làm tổn hại đến lợi ích chung. Tuy còn dè dặt "chưa dám kết luận", nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận tình trạng xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật còn nhiều kẽ hở, dẫn đến xuất hiện hàng loạt "văn bản trên trời", khiến người dân bất bình.
Thực ra, khái niệm "vận động chính sách" không có gì xa lạ trên thế giới, đặc biệt còn được đánh giá rất cao ở Mỹ. Tuy nhiên, do pháp luật ở ta chưa có quy định để điều chỉnh, kiểm soát vấn đề này. Thế nên nhắc đến "vận động chính sách" thì được hiểu theo nghĩa tiêu cực, được cho là can thiệp vào việc hình thành chính sách có lợi cho một nhóm thiểu số, bất chấp lợi ích chung của cộng đồng. Hiện tượng này còn được một số người gọi là "tham nhũng chính sách".
Từ câu chuyện "nhỏ" về tác động không hề nhỏ từ một văn bản pháp quy ở phạm vi hẹp đã cho thấy rõ hơn về một vấn đề "không nhỏ" cần sớm có sự điều chỉnh bằng pháp luật. Nếu có chính sách chuẩn mực, áp dụng đúng thì việc vận động hành lang sẽ không dẫn đến sự lệch lạc trong quản lý nhà nước hay hoạt động lập pháp, và còn có thể là yếu tố phát huy vai trò phản biện xã hội. Quan trọng hơn cả là sẽ giảm bớt sự xuất hiện các văn bản trái luật hay của hàng loạt "quy định trên trời" khiến dư luận bất bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.