(HNM) -
Một số tác phẩm được xuất bản bởi sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch. |
Không chỉ bạn đọc nhỏ mới vui
Nằm trong dự án nói trên do Hội Nhà văn Đan Mạch và NXB Kim Đồng thực hiện, hằng năm "Chuyến tàu kể chuyện" đưa các nhà văn, họa sĩ lần lượt tới các CLB Bạn đọc từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc vào Nam. Có thể kể đến các nhà văn, nhà thơ Hồ Anh Thái, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Phương Liên, Sally Altschuler (Đan Mạch)..., các họa sĩ Tạ Huy Long, Phạm Tô Chiêm, Kim Duẩn, Tạ Lan Hạnh, Tove Krebs Lange (Đan Mạch)... Học trò miền núi, vùng xa, kể cả là miền xuôi, thành thị cứ được đón những nhà văn, họa sĩ "bước ra" từ trang sách thân quen với mình thì đó là một điều thật "xôn xao" xúc động. Được nghe các nhà văn, họa sĩ trực tiếp kể chuyện, hướng dẫn chọn sách, đọc sách, rồi lần đầu tiên được gặp và trò chuyện với nhà văn nước ngoài, và hơn hết là được lắng nghe… tất cả các em đều không bỏ lỡ cơ hội này. Người thật, việc thật như một hạt giống tốt sẽ làm nảy nở trong tâm hồn các em những điều kỳ diệu.
Sau những chuyến đi và thông qua các hoạt động của mình, nhiều nơi đã có thành quả cụ thể. CLB Hoa Thạch Thảo của miền đất Hà Tĩnh đã tỏ rõ tiềm lực sáng tác của mình với hai tập sách được tỉnh công bố. Nhiều cây bút nhỏ ở các CLB khác có bài viết được đăng báo Thiếu niên Tiền phong... Qua đây, không chỉ trẻ em mà các nhà văn, họa sĩ cũng tìm thấy nhiều điều thú vị. Một nhà văn Đan Mạch bày tỏ sự thích thú khi họ tìm thấy ở đây những điều hồn nhiên thú vị của trẻ thơ mà nhiều nơi khác không có được. Nhà văn Lê Phương Liên thì chia sẻ, trong một lần giao lưu, các em nhỏ ở một CLB đã rất chân thành nhận xét: Tranh vẽ về bà không phải lúc nào cũng chít khăn mỏ quạ, răng đen hay già như thế... bà có thể trẻ hơn và ăn mặc khác...!
Cũng qua nhiều cuộc tiếp xúc thực tế như vậy, các nhà văn, họa sĩ như được tiếp nhận thêm nguồn năng lượng mới cho hành trình sáng tác của mình. Họ cũng thấy rõ, trẻ ở đâu cũng ham mê đọc, nhưng sách phù hợp cho trẻ em thì còn quá ít. Nhiều nơi, sách dạy chăn nuôi, sách pháp luật không phù hợp với lứa tuổi cũng lọt vào thư viện, tủ sách thiếu nhi. Thậm chí nhiều tủ sách còn trống... và sách tốt chưa đến được với các em do chính người lớn không có kỹ năng chọn lựa...
Còn không "Những chuyến tàu"?
Trong cuộc gặp gỡ đại diện 12 CLB Bạn đọc khắp các vùng miền đất nước, nhiều nơi cho thấy không ít những câu chuyện bất ngờ, cảm động như chuyện trẻ em tự mang sách đến góp cùng CLB. Thậm chí, không có quản lý thư viện thì các em... tự quản. Ở An Giang, CLB Con Thuyền đã tạo ra mô hình Góc đọc sách mỗi tuần chuyển sách đến một lớp để học sinh nào cùng có sách đọc. Và cứ qua mỗi lớp thì số sách lại tăng lên do các bạn tự đóng góp... Duy trì hoạt động 12 CLB nói trên cũng như hoạt động của "Chuyến tàu kể chuyện" là nhờ dự án của Đan Mạch và NXB Kim Đồng, thế nên nhiều câu hỏi đặt ra là đã hết giai đoạn của dự án thì liệu có còn không những chuyến tàu đưa nhà văn, họa sĩ và sách tới với các em? Giám đốc NXB Kim Đồng, họa sĩ Phạm Quang Vinh khẳng định "nhà" Kim Đồng sẽ cố gắng duy trì các hoạt động này tới năm 2017, nhưng ngay cả khi dự án kết thúc thì việc giúp trẻ được tiếp cận với sách hay, sách tốt, nuôi dưỡng cảm hứng đọc sách thì sẽ còn cần tiếp tục bằng chính sự chung tay của những người hoạt động trong lĩnh vực này.
Có một chi tiết nhỏ nhưng đáng chú ý là nhiều CLB đã thống nhất thông qua mạng xã hội để không ngừng kêu gọi sự vào cuộc nhiều hơn của cộng đồng vì mỗi trang sách cho trẻ thơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.