(HNM) - Có một sự kiện quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội, đó là Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X. Trong mỗi hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, bài hát
Bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” được hát trên mọi miền đất nước.
Ảnh: Bảo Lâm
Vào những năm 1950 - 1953, quân đội Pháp mở nhiều trận tấn công lớn nhằm tiêu diệt Việt Minh. Sau một trận càn của giặc, Hoàng Hòa được một gia đình nông dân ở thôn Đông Hồ, bên bờ sông Diêm Hộ thuộc huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy, Thái Bình) giấu ở dưới hầm bí mật. Dưới ánh đèn dầu lạc, anh đọc được bài viết trên tờ báo Cứu quốc, tường thuật chuyến thăm Liên phân đội Thanh niên xung phong 312 tại bản Nà Cù, tỉnh Bắc Kạn, có thành tích phục vụ chiến đấu đánh tan hai binh đoàn Lơ-pa và Sác-tông của Pháp trong chiến dịch Đông Thất Khê của Bác Hồ. Cuối buổi nói chuyện, Bác đọc tặng anh chị em một bài thơ do Bác viết: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên".
Đọc xong bài thơ của Bác, anh như được tiếp thêm sức mạnh. Trong những năm sống ở vùng địch tạm chiếm, phong trào thanh niên hầu như chững lại nên ngoài nhiệm vụ động viên anh chị em ra sức đánh giặc cứu nước, anh nghĩ phải làm thế nào phổ biến rộng rãi bài thơ của Bác đến từng đoàn viên, từng phong trào của Đoàn. Thế là anh thức trắng đêm viết bài hát "Thanh niên xung phong làm theo lời Bác". Bài hát được phổ biến rộng rãi, anh em góp ý bỏ hai từ "xung phong". Bài hát "Thanh niên làm theo lời Bác" lan truyền và được hát tập thể trong các buổi khai hội Đoàn, trong những cuộc liên hoan mừng chiến thắng, trong những ngày mùa bội thu ở các tỉnh tả ngạn sông Hồng. Bài hát được lớp trẻ trên mọi miền đất nước đón nhận với tất cả nhiệt tình. Trong thời kỳ chống Mỹ, những lúc khó khăn, gian khổ nhất, lời Bác lại vang lên, nhắc nhở, thúc giục mọi người, tạo thành sức mạnh phi thường và một niềm tin vững chắc.
Sau ngày nửa phần đất nước được giải phóng, Thường vụ Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thanh niên. Biết tin, Bác dành thời gian gặp gỡ các đại biểu về dự hội nghị tại Phủ Chủ tịch. Bác hỏi thăm sức khỏe của mọi người, về tình hình sản xuất, kiến thiết ở miền Bắc và chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Bác đề nghị mọi người cùng hát tập thể một bài và "Thanh niên làm theo lời Bác" vang lên. Mọi người hát xong, Bác hỏi tên tác giả, lúc đó Hoàng Hòa cũng có mặt ở đấy. Bác khen: "Cháu làm bài hát hay đấy nhưng phải phổ biến cho mọi người cùng hát đấy nhé!". Trước khi chia tay, Bác còn căn dặn: "Các cháu về đơn vị, địa phương phải cố gắng công tác, học tập và thực hiện đúng như lời bài mà các cháu vừa hát!".
Đến tháng 10 năm 1992, tại Đại hội Đoàn toàn quốc tổ chức ở Hà Nội, "Thanh niên làm theo lời Bác" được chọn là bài hát chính thức của Đoàn. Về bài hát này cũng còn nhiều điều đáng nói. Nó phổ biến, đoàn viên nào cũng thuộc nhưng lại không biết tên tác giả. Có một vài đoàn văn công và một số bài báo giới thiệu tác giả là Hoàng Hà (đại tá trong Đoàn văn công Tổng Cục chính trị). Nhưng nhạc sĩ Hoàng Hà là em ruột nhạc sĩ Hoàng Hòa và không cùng anh sáng tác ca khúc này. Bài hát vốn có hai lời nhưng các tập sách nhạc chỉ in lời một, có nơi còn in sai lời…
Nhạc sĩ Hoàng Hòa tên thật là Cao Hy Vọng, sinh năm 1930 tại Nam Định. Cái tên Hoàng Hòa được ghép tên và họ của cặp vợ chồng đã vào sinh ra tử cùng anh trong thời kháng chiến. Dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời của anh là hai người đồng chí ấy và việc sáng tác nhạc cho lời dạy thanh niên của Bác Hồ. Nhắc đến tên Hoàng Hòa, nhiều người nhớ đến một nhạc sĩ hơn là cán bộ Đoàn. Thực ra, cả cuộc đời Hoàng Hòa cống hiến cho phong trào thanh niên. Năm 15 tuổi, nhạc sĩ tham gia Đoàn thanh niên Cứu quốc, từng là Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, Thường vụ TƯ Đoàn khóa III, IV; là Trưởng ban học sinh, sinh viên và vừa qua ông đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.