(HNM) - Một loạt cam kết và thỏa thuận thúc đẩy hợp tác song phương là kết quả khá ấn tượng trong chuyến thăm 4 ngày (từ 11 đến 14-5) của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tới Nga. Động thái này diễn ra vào lúc quan hệ giữa Pakistan và Mỹ đang rơi vào tình trạng
Tổng thống Pakistan A.Zardari và Tổng thống Nga D.Medvedev trong cuộc hội đàm ngày 12-5. |
Điểm đáng quan tâm trong chuyến thăm của Tổng thống Asif Ali Zardari, ngoài các hiệp định hợp tác thương mại, là bản Tuyên bố chung với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, qua đó đặt ưu tiên cho cuộc chiến chung chống khủng bố và tội phạm ma túy. Cái bắt tay giữa Islamabad với Mátxcơva trong lĩnh vực này cho thấy tuyên bố của Pakistan trước đó rằng sẽ xem xét lại chương trình hợp tác chống khủng bố với Mỹ là hoàn toàn có khả năng.
Hiện tại, chính quyền của Tổng thống A. Zardari đang chịu sức ép rất lớn từ dư luận trong nước xung quanh việc để Mỹ đơn phương thực hiện vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden ngay trên đất Pakistan. Điều này đi ngược lại những quy tắc trong quan hệ giữa hai quốc gia có chủ quyền và gây phương hại tới quan hệ đồng minh giữa Islamabad và Washington. Quan trọng hơn, việc xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền để tiêu diệt đối thủ của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cũng là một tiền lệ xấu đối với hòa bình và an ninh trên thế giới. Chính vì vậy, ngày 14-5, sau cuộc họp kéo dài 10 giờ đồng hồ, Quốc hội Pakistan đã yêu cầu có một cuộc điều tra độc lập về vụ việc tại Abbottabad, nhằm bảo đảm rằng những điệp vụ đơn phương của Mỹ sẽ không tái diễn. Các nghị sĩ Pakistan cũng kêu gọi chính phủ nước này xem xét lại những điều kiện hợp tác với Mỹ, để bảo đảm rằng lợi ích quốc gia của Pakistan được tôn trọng một cách trọn vẹn.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Washington tiến hành một cuộc tấn công đơn phương trên lãnh thổ Pakistan. Năm ngoái, Mỹ đã tăng gấp đôi số vụ tấn công trên lãnh thổ nước này, với khoảng 100 đợt xuất kích của các máy bay Predator. Ngay trong ngày 13-5, bất chấp sự phản đối của Islamabad, một máy bay không người lái của Mỹ đã bắn vào một chiếc xe quân sự ở Kharkamar, thuộc vùng hẻo lánh North Waziristan gần biên giới Afghanistan làm 3 người thiệt mạng. Đây là vụ tấn công bằng máy bay không người lái thứ tư tại khu vực mà Washington cho là có trụ sở toàn cầu của mạng lưới al-Qaeda kể từ khi Bin Laden bị tiêu diệt. Những cuộc tấn công bằng các "sát thủ trên không" đã góp phần làm tăng tinh thần chống Mỹ ở Pakistan trong bối cảnh tình hình vốn đã xấu đi rất nhiều kể từ khi một nhân vật có liên quan tới Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bắn chết hai người bản địa trên một con phố đông đúc ở thành phố Lahore hồi tháng 1.
Giới lãnh đạo Pakistan thời gian gần đây đã bắt đầu tỏ rõ thái độ muốn giảm bớt sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ để đa dạng mối quan hệ với nhiều đối tác "nặng ký" khác như Trung Quốc, Nga. Điều này thật dễ lý giải vì sao chuyến đi Nga của Tổng thống A.Zardari lại diễn ra vào đúng thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì công cán Mátxcơva trong hai ngày 12 và 13-5. Những chuyển động đó hoàn toàn hợp lẽ bởi cả Nga và Trung Quốc đều muốn lôi kéo Pakistan tham gia ngày càng tích cực hơn vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây là diễn đàn hợp tác an ninh có tham vọng trở thành đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ nắm quyền chi phối.
Hiện tại, dựa trên chiến lược cân bằng các mối quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là Nga - Mỹ, Pakistan mới chỉ nắm vai trò quan sát viên tại SCO. Thế nhưng, khi tình bằng hữu với Washington bị sứt mẻ, không loại trừ khả năng Islamabad sẽ tham dự sâu hơn vào SCO. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng, chuyến thăm Mátxcơva lần này nằm trong tính toán của chính quyền Islamabad nhằm sở hữu một lá bài có sức nặng trên bàn thương lượng với Washington trong thời gian tới. Về phía Mỹ, dù nghi ngờ Islamabad "chơi trò hai mang" trong vụ việc Bin Laden nhưng chắc chắn "chú Sam" không thể quá mạnh tay với Pakistan. Vì chìa khóa của cuộc xung đột tại Afghanistan nằm ở Islamabad, mọi diễn biến ở vùng biên giới hai nước đều ảnh hưởng trực tiếp đến các chiến dịch quân sự của NATO. Điều này được phản ánh qua phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton "Mối quan hệ này là không hề dễ dàng, nhưng trong một phương diện nào đó, nó có lợi cho cả hai nước. Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục hợp tác".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.