(HNM) - Chuyến công du hai quốc gia thuộc Lục địa đen là Kenya và Ethiopia của Tổng thống Mỹ Barack Obama là dịp để khẳng định mối liên kết tình cảm với Châu Phi, đưa châu lục này vào vị trí trung tâm hơn trong chính sách ngoại giao của Washington.
Tổng thống B.Obama (trái) và người đồng cấp Uhuru Kenyatta trong cuộc gặp tại thủ đô Nairobi, Kenya ngày 25-7. |
Năm 2008, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của ông B.Obama từng khiến nhiều người hy vọng vào một mối giao hảo sâu đậm hơn giữa Mỹ và Châu Phi. Tuy nhiên, với tình hình thế giới diễn biến phức tạp, phải đến ba phần tư các ưu tiên ngoại giao của ông chủ Nhà Trắng là nhắm đến việc giải tỏa căng thẳng Trung Đông hoặc để tăng cường liên kết với khu vực Châu Á. Do đó, dường như Châu Phi vẫn nằm bên lề các bản kế hoạch đối ngoại của Nhà Trắng. Dù Tổng thống B.Obama thăm Châu Phi nhiều hơn bất kỳ vị tiền nhiệm nào (4 lần) nhưng theo các nhà phân tích, đối với nhiều người sống trên lục địa này, vai trò của Mỹ ngày càng bị che mờ bởi một Trung Quốc đang ráo riết mở rộng ảnh hưởng bằng những khoản đầu tư và nhiều lời hứa hẹn.
Đặc biệt, chuyến công du Kenya này của Tổng thống B.Obama được coi như một chuyến hành hương tới miền đất vẫn luôn coi vị Tổng thống gốc Phi đầu tiên của Mỹ là một người con. Nói cách khác, chuyến công du là một cơ hội để ông B.Obama tạo dựng di sản của mình trên mảnh đất quê hương, đồng thời xác định lại mối quan hệ giữa Mỹ với Kenya sau nhiều trở ngại về ngoại giao. Trong lịch trình, Tổng thống B.Obama sẽ dành thời gian đến thăm gia đình nội của mình. Nguồn gốc Châu Phi của ông B.Obama cũng được thể hiện trong những kế hoạch khác của chuyến đi. Bên cạnh việc hội đàm với người đồng nhiệm Kenya Uhuru Kenyatta, Tổng thống B.Obama cũng sẽ gặp gỡ các lãnh đạo thanh niên để chia sẻ về mối liên hệ với nguồn cội của mình. Từng tới thăm Kenya 9 năm về trước, nhưng trong lần trở lại này, Tổng thống B.Obama đang chứng kiến một Kenya nói riêng và Châu Phi nói chung với những bước chuyển mình mạnh mẽ, mở ra những cơ hội phát triển kinh tế lâu dài.
Có thể nói, đây là cơ hội vàng để Washington xây dựng mối quan hệ hợp tác với Nairobi, trong bối cảnh những mối đe dọa về an ninh từ Al-Shabab, nhóm Hồi giáo cực đoan ở Somali, đến một loạt chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang nở rộ như "nấm sau mưa". Không thể phủ nhận thực tế rằng, Kenya hiện đang nổi lên là một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố Hồi giáo. Thế nên, trong cuộc hội đàm với Tổng thống B.Obama ngày 25-7, người đồng cấp Kenya U.Kenyatta đã khẳng định, an ninh là vấn đề quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự cho các cuộc thảo luận. Ông U.Kenyatta cho biết đây là vấn đề lớn nhất trong hàng loạt thách thức mà Chính phủ Kenya phải đương đầu, đồng thời nhấn mạnh, không một quốc gia đơn độc nào có thể giải quyết vấn đề này và đây là một mối đe dọa không biên giới, cần có sự hợp tác để vượt qua. Ngoài vấn đề an ninh và chống khủng bố, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề thương mại, tăng cường sự minh bạch trong các hoạt động của chính phủ và chống nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Doanh nghiệp toàn cầu lần thứ 6 tại thủ đô Nairobi, Tổng thống B.Obama đã cam kết giúp thêm nhiều người Châu Phi thoát nghèo và bảo vệ các cộng đồng dân cư trước xu hướng cực đoan hóa. Người đứng đầu nước Mỹ cũng công bố gói hỗ trợ hơn 1 tỷ USD từ chính phủ, ngân hàng, các quỹ và những nhà từ thiện Mỹ để giúp đỡ Châu Phi. Một nửa số tiền trên sẽ được sử dụng để trợ giúp phụ nữ và những người trẻ tuổi đang muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Các doanh nghiệp Kenya hy vọng chuyến thăm quê đầu tiên của ông B.Obama với tư cách Tổng thống Mỹ dù ngắn ngủi nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho sự phát triển kinh tế nước này. Với một vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, Kenya cũng hy vọng trở thành điểm đến cho các nhà làm phim Hollywood. Việc trở thành địa điểm quay phim Mỹ sẽ mang đến nhiều việc làm cho người dân địa phương, cũng như quảng bá hình ảnh Kenya đến với thế giới.
Sau chuyến thăm Kenya, Tổng thống B.Obama sẽ sang Ethiopia và trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới thăm quốc gia này. Trong thời gian ở Addis Ababa, ngoài các cuộc gặp với lãnh đạo nước chủ nhà Ethiopia, Tổng thống B.Obama cũng sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm trụ sở Liên minh Châu Phi (AU) tại Addis Ababa.
Chuyến công du này có lẽ không thể lập tức đáp ứng được những kỳ vọng mà ông chủ Nhà Trắng ấp ủ. Nhưng khi một lãnh đạo hàng đầu thế giới trở về với cội nguồn khiêm tốn của mình, ý nghĩa biểu tượng của thời khắc đó vượt qua mọi giá trị chính trị thông thường. Điều này được coi là đang làm dày thêm di sản đối ngoại ấn tượng của Tổng thống B.Obama trong nhiệm kỳ cuối cùng. Đồng thời, chuyến đi cũng thể hiện chính sách của Mỹ đang muốn tái định hình quan hệ với Châu Phi, một châu lục mà Tổng thống B.Obama cho rằng sẽ vượt qua những khó khăn của hiện tại như trình độ phát triển thấp, nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan để trở thành một động lực của tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.