(HNMO) - Ngày 24-8, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 19-8 đến sáng 24-8, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vừa phát hiện 1 ca tái dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Bệnh nhân là V.H.C (BN348 đã được Bộ Y tế công bố), 39 tuổi, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân sinh sống tại Rumani. Ngày 6-6, bệnh nhân từ Thụy Điển nhập cảnh về sân bay Nội Bài và cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao, quận Nam Từ Liêm.
Ngày 18-6, bệnh nhân cùng vợ và 3 con được xét nghiệm lần 2 với vi rút SARS-CoV-2. Kết quả, cả 5 người trong gia đình đều dương tính. Sau đó, bệnh nhân cùng vợ và 3 con được chuyển cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 từ ngày 19-6. Đến ngày 8-8, bệnh nhân được điều trị khỏi, ra viện về cách ly tại nhà.
Ngày 13-8, bệnh nhân cùng vợ và 3 con được Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm sau ra viện, kết quả âm tính. Đến ngày 22-8, bệnh nhân cùng vợ và 3 con được Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu lần 2. Ngày 23-8, kết quả BN348 tái dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Bệnh nhân đã được chuyển trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 ngay trong đêm 23-8, vợ và 3 con tiếp tục cách ly tại nhà. Lực lượng chức năng quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với CDC Hà Nội phun thuốc khử khuẩn, phong tỏa căn nhà, lấy mẫu xét nghiệm F1, điều tra các F2.
Trước đó, nước ta cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 được công bố khỏi, sau đó tái dương tính.
Lý giải về các trường hợp này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, dịch Covid-19 là dịch mới nên thế giới cũng như Việt Nam cần nhiều thời gian để nghiên cứu thêm về sự biến đổi của vi rút.
Hiện nay, vi rút SARS-CoV-2 ở mỗi quốc gia lại có sự khác biệt với vi rút ban đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc). Vi rút SARS-CoV-2 lưu hành ở Đà Nẵng cũng là chủng vi rút mới tại nước ta, có đặc tính lây lan nhanh hơn.
Những bệnh nhân được công bố khỏi bệnh đều được tiếp tục cách ly và theo dõi thêm 14 ngày. Trong quá trình theo dõi bệnh nhân, đã xuất hiện một số bệnh nhân tái dương tính. Ở những người tái dương tính không có dấu hiệu lâm sàng nào. Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, bản chất của xét nghiệm hiện nay là sử dụng kỹ thuật RT-PCR. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, lên tới 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của vi rút, không phải phát hiện toàn vi rút. Vì vậy, để khẳng định bệnh nhân có tái dương tính hay không thì phải nuôi cấy vi rút để xem vi rút có tái hoạt động hay không. Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì vi rút không hoạt động. Như vậy, giả thiết đặt ra đây chỉ là các phần mảnh ARN của vi rút (xác vi rút) thải loại. Những ca tái dương tính đều không lây nhiễm trong cộng đồng.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.