(HNM) - Ít ai biết được Danh Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Xây dựng Danh Sơn - từng lay lắt với rất nhiều nghề: từ phụ hồ, xe ôm đến bán than… Nhưng rồi cuối cùng duyên nợ đã đưa anh đến với nghề phá dỡ công trình. Nghề này đã giúp chàng thanh niên trình độ văn hóa chưa hết lớp 6 trở thành một chuyên gia phá dỡ công trình có tiếng ở TP Hồ Chí Minh.
Từ người không nghề nghiệp
Giám đốc Sơn (áo trắng ) đang chỉ đạo công nhân.
Gặp chúng tôi vào những ngày cuối năm Kỷ Sửu, dù rất bận rộn chỉ đạo công nhân phá dỡ công trình nhà kho của Công ty Cao su Vina (trên đường Nguyễn Khoái, quận 4) để kịp hoàn thành trước Tết Canh Dần nhưng anh vẫn nhiệt tình dành thời gian trò chuyện về đời, về nghề. Thật thà, chất phác, từ tốn đúng như phong cách của một "Hai Lúa" thứ thiệt ở đất bưng biền, đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận được từ người chuyên gia trẻ tuổi này. Anh cho biết: "Công trình nhà kho Công ty Cao su Vina có diện tích gần 10.000m2, dự kiến phá dỡ trong 30 ngày, nhưng chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ trong vòng 20 ngày để anh em công nhân kịp đón Tết. Dù nghề này chẳng có trường lớp, nhưng không phải ai muốn làm cũng có thể làm được. Ngoài đam mê, yêu nghề còn phải có kinh nghiệm, bản lĩnh mới có thể dám nhận phá dỡ, nhất là các công trình nằm trong khu dân cư".
Do cuộc sống gia đình khó khăn, chàng trai gốc Kiên Giang này đã phải rời bỏ quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp. Cuộc sống nơi đô thành không phải là miền đất hứa cho những người có trình độ thấp lại chưa có một nghề lận lưng như anh. Dẫu biết khó khăn đang chờ đợi phía trước nhưng Sơn vẫn lao vào, bởi ở quê nhà người mẹ già đang chờ đợi từng đồng tiền anh gửi về để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Trải qua nhiều nghề nhưng chẳng có nghề nào qua "nổi con trăng". Và rồi anh tìm đến với nghề bán than. Chính những buổi chiều cọt kẹt trên chiếc ba gác cà tàng đến khu Tân Cảng (Bình Thạnh) lấy than bỏ mối cho các hộ bán cơm, hủ tiếu, bánh bao… anh đã vô tình phát hiện một công trình đang phá dỡ, rồi xin vào đập xi măng lấy phế liệu. "Năm 1988 - ngày ấy chỉ dùng cưa tay nên để cưa 1 thanh sắt 20 phi phải mất gần 5 phút. Nhiều công trình sau khi được phá dỡ, thay vì các chủ đầu tư phải thuê xe đến cẩu, xúc những mảng bê tông chở đi đổ thì họ cho tôi vào đập xi măng lấy phế liệu. Cũng nhờ có chiếc xe ba gác chở than nên tôi có phương tiện để chở phế liệu thu lượm được đi bán, còn xà bần để lại cho họ san lấp mặt bằng, nếu cần thì tôi cũng có thể chở đi đổ luôn. Thường mỗi ngày như vậy, "bóc" cũng được vài trăm kilôgam sắt, thép phế liệu, kiếm được kha khá tiền. Thế là tự dưng bỏ nghề bán than lúc nào không biết " - anh Sơn bộc bạch.
Đến chuyên gia phá dỡChính những ngày gõ xi măng lấy phế liệu đã giúp anh hiểu, yêu thích nghề phá dỡ công trình. Từ những chuyến ba gác phế liệu, anh đem bán, tích cóp để dành mua máy cắt sắt, máy bắn bê tông rồi đến xe máy đào… để thực hiện giấc mơ làm chuyên gia phá dỡ công trình. Anh Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, nghề phá dỡ công trình cuốn hút anh không ngoài yếu tố nào khác là tiền. Bởi thật sự mà nói, không dễ để một người học hành không đến đâu lại chẳng có nghề ngỗng gì có thể kiếm được cả chục triệu đồng mỗi tháng.
Hơn 20 năm đến với nghề, kinh nghiệm đã chỉ cho anh rằng, muốn thành công và tạo được niềm tin với chủ đầu tư hay chủ công trình thì không chỉ bảo đảm an toàn mà người thủ lĩnh phải đi sâu, đi sát trong quá trình phá dỡ để xử lý những tình huống phức tạp. Do đó, nhiều công trình các chuyên gia phá dỡ khác "chê" thì anh lại nhảy vào. Mỗi khi nhận phá dỡ công trình nào anh đều nghiên cứu phán đoán các tình huống phá dỡ một cách kỹ lưỡng, bài bản.
Giờ đây anh đã quá thành thạo trong công việc nên mỗi năm công ty anh nhận được hàng chục hợp đồng phá dỡ các công trình lớn nhỏ, doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên tận trong thâm tâm, anh muốn được chinh phục những công trình phức tạp, cam go hơn để xem năng lực của mình đến đâu và cũng để tăng thêm giá trị của đồng tiền.