(HNMO) - Ngày 23-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững môi trường sống vì sức khỏe cộng đồng: Từ nhận thức đến hành động”.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra đang rất nóng bỏng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, sức khỏe con người hiện tại và tương lai. Ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề mang tính chính trị, kinh tế, an sinh xã hội. Yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành và người dân là phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề ô nhiễm môi trường để có những hành động đúng trên tinh thần không đánh đổi môi trường lấy phát triển và sống phải có trách nhiệm với môi trường sống của mình.
Các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật về môi trường. Ý kiến khác cho rằng, hệ thống pháp luật về môi trường nước ta khá đầy đủ, vấn đề là khâu thực hiện phải nghiêm; cần xây dựng cơ chế, tạo môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, một số đại biểu đã lấy tình trạng ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí tại Hà Nội để dẫn chứng cho tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường đáng báo động hiện nay. Có ý kiến cho rằng, nếu không có giải pháp hiệu quả và kịp thời, Hà Nội sẽ nhanh chóng bị ô nhiễm không khí như Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Trong khi đó, đánh giá cao dự án nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) vừa được Hà Nội khởi công với tổng vốn đầu tư 16.200 tỷ đồng, PGS.TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cho rằng, nhà máy sẽ giúp xử lý phần lớn lượng nước thải khoảng nửa triệu m3/ngày khu vực nội đô, đem đến khả năng làm sống lại 4 con sông nội đô: Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.