Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi số - Kinh nghiệm và xu hướng

Thanh Hà| 15/12/2020 22:17

(HNMO) - Tiếp tục chương trình hội thảo ngày thứ hai của Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông 2020, trong ngày 15-12 diễn ra các hội thảo chuyên đề. Điểm đáng chú ý, hội thảo đề cập xu hướng chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực; từ quá trình triển khai giải pháp chuyển đổi số cho đến những mô hình tiêu biểu, bài học kinh nghiệm nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số hiệu quả...

Các đại biểu tham gia thảo luận theo các chuyên đề về chuyển đổi số trong ngày 15-12.

Chuyển đổi số để hướng đến nền tài chính vững mạnh

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), ngành tài chính đã có sự chuẩn bị và xây dựng lộ trình chuyển đổi số của toàn ngành. Mục tiêu đến 2025, thiết lập hệ sinh thái ngành tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh. Liên quan đến lộ trình này là các nội dung về xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng số…

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty EY Consulting Việt Nam phân tích, quá trình chuyển đổi số cũng sẽ tác động rất rõ nét tới ngành ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng cần thay đổi chiến lược từ “hạn chế bị ảnh hưởng” sang “chủ động đổi mới”, bằng cách tham gia vào hệ sinh thái cùng với các doanh nghiệp Fintech (công nghệ tài chính); tham gia nền tảng tài chính ngân hàng mở, lấy khách hàng làm trung tâm, giúp khách hàng tiếp cận nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng khác nhau thông qua một kênh duy nhất…

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ trong y tế

Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, ông Đặng Thanh Hùng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh viện đã bắt tay vào quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động từ năm 1994. Đến nay, bệnh viện liên tục cập nhật để dần số hóa các hồ sơ chuyên môn, giúp giảm tỷ lệ sai sót trong kê đơn ngoại trú từ 15,5% xuống còn 9,2% (đạt được mục tiêu đề ra ban đầu là dưới 10%). Việc ứng dụng công nghệ thông minh và thiết bị IoT (internet kết nối vạn vật) trong quản lý môi trường kho thuốc giúp quản lý tập trung, giảm nguồn lực bảo trì, giải quyết sự cố nhanh hơn…

Còn theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Bộ Y tế đặt ra mục tiêu chuyển đổi số trong ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh…

Kết nối cung cầu - bài toán chuyển đổi số cho logistics

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, với vị trí trung tâm của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số trong logistics sẽ có tác dụng “kích hoạt” việc chuyển đổi số của nhiều thành phần khác. Theo các chuyên gia, tương lai của logistics thông minh không nằm ở những cải tiến đơn lẻ, mà đòi hỏi những chiến lược và kế hoạch tổng thể, với sự tham gia của công nghệ và điện toán đám mây. 

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này đang gặp không ít thách thức. Cụ thể, đó là sự hạn chế tài chính đầu tư ban đầu (vì có khoảng 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa), khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mỗi doanh nghiệp…

Để khắc phục những rào cản này, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, ngoài quyết tâm và tập trung nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp chủ hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics; đồng thời, cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn trong điều kiện có thể, nhất là với các doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số.

Chính sách sát thực tiễn giúp nông nghiệp chuyển đổi số

Ngoài việc đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai của nông nghiệp Việt Nam. Đây không chỉ như một xu thế ngắn hạn, mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nông nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, những năm gần đây, lĩnh vực trồng trọt đã ứng dụng các công nghệ IoT, Big Data (dữ liệu lớn) cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Lĩnh vực chăn nuôi cũng đã ứng dụng công nghệ IoT, blockchain (chuỗi khối), sinh học tại trang trại chăn nuôi quy mô lớn của các doanh nghiệp như TH TrueMilk, Vinamilk…

Để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh hơn nữa, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số phát triển nông nghiệp thông minh với quy mô lớn, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm; thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông 2020 với chủ đề chuyển đổi số quốc gia “Chia sẻ và kết nối” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch thành phố Hà Nội tổ chức. Chương trình diễn ra trong hai ngày 14, 15-12-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số - Kinh nghiệm và xu hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.