(HNM) - Thời gian qua, tại không ít địa phương có tình trạng nông dân bỏ ruộng, gây lãng phí tài nguyên đất.
Một mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả mang lại lợi ích kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Thái Hiền |
Đơn cử như ở Hà Nội, hiện toàn thành phố có trên 100.000ha trồng lúa. Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ nay đến năm 2020, sẽ có khoảng 37.000ha đất canh tác phải chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp, theo đó diện tích lúa sẽ giảm gần 10.000ha, còn 92.120ha. Thực hiện bước chuyển đổi trên, Hà Nội đã tích cực xây dựng nhiều mô hình cây, con có giá trị kinh tế cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa như mô hình sản xuất rau an toàn cho thu nhập 250 - 400 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất hoa, cây ăn quả… chất lượng cho hiệu quả từ 400 triệu đến hàng tỷ đồng/ha… Giám đốc Sở NN& PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng một quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Theo quy hoạch, thành phố sẽ ổn định vùng lúa với diện tích 90.000 -92.000ha đến năm 2020 và chuyển dần sản xuất lúa chất lượng cao sang mô hình cánh đồng mẫu lớn; tập trung phát triển thêm rau, hoa quả an toàn. Đến năm 2020, diện tích gieo trồng rau, đậu, thực phẩm các loại lên 34.000ha; diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt khoảng 10-12.000ha; vùng cây ăn quả tập trung, phát triển cây đặc sản chủ lực với 16.000ha.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT) cho biết, nhiều địa phương đang linh hoạt chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Việc ổn định 3,8 triệu héc ta đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực là điều cần thiết nhưng không có nghĩa tất cả đều phải trồng lúa để lãng phí cơ hội phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị hơn.
Muốn giữ vững sản lượng gạo xuất khẩu như hiện nay, Bộ NN&PTNT cần định hướng rõ đâu là vùng sản xuất lúa cung cấp lương thực trong nước, đâu là vùng lúa chuyên xuất khẩu. Ngoài ra, ngành lúa gạo cần chú trọng tới việc đưa các giống mới vào sản xuất bởi xuất khẩu gạo phải tập trung vào nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo. Mỗi năm, cả nước mất 3-4 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, nếu những vùng đất kém hiệu quả được chuyển sang trồng ngô, đậu tương và trồng cỏ thì số tiền bỏ ra nhập thức ăn chăn nuôi có thể giúp không ít nông dân xây dựng các mô hình sản xuất chất lượng. Không những thế, việc chủ động vật tư, thức ăn trong nước sẽ hình thành chuỗi sản xuất khép kín, an toàn, giảm chi phí đầu vào để cho hiệu quả cao. Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, việc chuyển đổi đất lúa là cần thiết song nên tính toán cẩn thận. Việt Nam đầu tư cho cây lúa gần 40 năm nay, hạ tầng nông nghiệp nông thôn đều tập trung cho cây lúa và chế biến lúa gạo nên không dễ chuyển dịch ào ào sang cây trồng khác. Vậy, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ đề án chuyển đổi đất lúa nhằm hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.