Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Hà Nội: Vẫn còn nặng tính tự phát

Đỗ Minh| 17/05/2017 07:00

(HNM) - Sau dồn điền đổi thửa, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã định hướng các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thông qua các mô hình chuyển đổi, từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản, chăn nuôi tập trung hiệu quả kinh tế cao. Nhưng tiếc rằng, việc chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún, nặng tính tự phát, chưa tập trung vào sản phẩm chủ lực, có thế mạnh.

Nông dân huyện Mê Linh chăm sóc cây trồng. Ảnh: Viết Thành


Đột phá sau dồn điền đổi thửa


Do thu nhập chủ yếu vẫn từ sản xuất nông nghiệp nên sau dồn điền đổi thửa, huyện Thanh Oai tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đơn cử như vùng chuyển đổi trồng cam Canh của xã Kim An. Hiện toàn xã có gần 100ha trồng cam Canh theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Thời gian qua, xã Kim An đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Cam đường Kim An - Thanh Oai", khẳng định nguồn gốc, chất lượng nông sản trên thị trường. Hiện hằng năm, các hộ trồng cam cho thu nhập từ 450 đến 600 triệu đồng/ha.

Không riêng Kim An, nhiều xã của huyện Thanh Oai đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu đã chuyển đổi được hơn 1.200ha, cho hiệu quả cao gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa như: Mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Liên Châu 118ha, chăn nuôi tập trung ở xã Tân Ước 15ha…

Để nâng cao thu nhập cho nông dân trong bối cảnh diện tích ruộng chia theo đầu người hạn chế, các huyện như: Ứng Hòa, Mê Linh, Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn… đã đẩy mạnh chuyển đổi trồng rau an toàn, hoa, chăn nuôi, cây trồng, vật nuôi đặc sản… Ví như huyện Mê Linh, khai thác tối đa lợi thế vùng bãi ven sông Hồng để phát triển các vùng chuyên canh hoa, rau an toàn, cây ăn quả. Để nâng cao giá trị gia tăng, huyện đã huy động các nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất trong vùng chuyển đổi; có chính sách hỗ trợ cho những vùng chuyển đổi và giúp người dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, đến nay thành phố đã chuyển đổi được hơn 62.000ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao hơn 32.000ha, gần 6.800ha trồng cây ăn quả, khoảng 4.300ha trồng rau an toàn, hơn 3.400ha chuyển sang chăn nuôi xa khu dân cư... Thông qua chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng, Hà Nội có hơn 1.230 trang trại theo tiêu chí mới gồm 920 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại thủy sản, 120 trang trại tổng hợp và 2.500 mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ với tổng diện tích 15.000ha.

Đáng nói, trên địa bàn thành phố có gần 700 trang trại cho thu nhập từ 1 đến 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa chất lượng cao ở huyện Chương Mỹ, trồng nhãn chín muộn ở huyện Hoài Đức, trồng hoa ly ở các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng… Những mô hình chuyển đổi này cho hiệu quả kinh tế từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Tập trung vào những sản phẩm thế mạnh

Chăm sóc cây cam tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền


Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố thời gian qua còn chậm và chưa vững chắc. Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tuy tăng khá nhưng chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Hầu hết các mô hình chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún, chỉ từ 3 sào đến 2ha, ít mô hình có diện tích từ 5ha trở lên. Trong khi đó, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao. Việc chuyển đổi còn nặng tính tự phát, hình thức và chạy theo phong trào...

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng: Hiện nay, quy hoạch chuyển đổi của các địa phương cơ bản giống nhau như đều trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi… dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Giá thịt lợn rớt rất nhanh như vừa qua là bài học để đánh giá lại quy mô sản xuất của cả thành phố.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Huy Linh phân tích thêm: Đầu ra sản phẩm bấp bênh, thiếu ổn định nên người dân có tâm lý e ngại khi đầu tư phát triển sản xuất. Việc chuyển đổi như vậy sẽ không phát huy được hiệu quả kinh tế bởi không lựa chọn được những nông sản mang tính đặc trưng. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp TP Hà Nội nên định hướng tập trung vào nông sản đặc sản.

Hà Nội có nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: Cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ, gà đồi, hoa, cây cảnh, bò BBB…, do đó mỗi địa phương căn cứ vào thế mạnh, sản phẩm đặc sản của mình để quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, có tính cạnh tranh cao là hết sức cần thiết.

Trao đổi nội dung trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích cây lương thực hợp lý. Thay vào đó, quy hoạch vùng sản xuất dựa trên lợi thế, thế mạnh của từng địa phương. Ví như xã Đại Thành, huyện Quốc Oai có thế mạnh về trồng nhãn chín muộn và đã xuất khẩu ra nước ngoài thì ưu tiên trồng nhãn, còn xã Cấn Hữu có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi thì đẩy mạnh nuôi lợn, gà…

Hoặc ở các xã Đắc Sở, Yên Sở (huyện Hoài Đức) có thế mạnh về trồng cây phật thủ, hoa thì ưu tiên các loại cây trồng này chứ không phải huyện nào cũng có thể trồng hoa, cây ăn quả, nuôi lợn, phát triển chăn nuôi bò. Định hướng chuyển đổi của ngành Nông nghiệp là tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương, không để trùng lặp khiến cung vượt cầu, dẫn đến hệ lụy được mùa rớt giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Hà Nội: Vẫn còn nặng tính tự phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.