Kinh tế

Chuyển dịch năng lượng yếu tố then chốt cho phát triển bền vững

Lam Giang 27/06/2024 - 17:24

Chiều 27-6 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Công Thương Hà Nội, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Diễn đàn chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024.

27.6-dien-gia-toa-dam-nl.jpg
Các diễn giả tham gia diễn đàn. Ảnh: Lam Giang

Chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam về ngừng phát thải carbon vào năm 2050. Đồng thời, quá trình này góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế bền vững cho mỗi quốc gia.

Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng từ 8-10% trong những năm tới. Cùng với đó là vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây ra tác động xấu tới môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo đại diện Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), dự báo của các nhà quan sát năng lượng hàng đầu cho biết, ngành Điện sẽ dựa vào nguồn điện tái tạo, sự phát triển năng lượng tái tạo dự kiến sẽ được phân bổ phần lớn cho năng lượng gió và năng lượng năng lượng Mặt trời.

Để hướng tới không gây ô nhiễm carbon trong thời gian ngắn và không phát thải khí nhà kính vào giữa thế kỷ này, năng lượng gió phải tăng cường đóng góp vào sản xuất điện từ mức thâm nhập toàn cầu 5% hiện nay lên khoảng 35%-50% hoặc hơn nữa trong nhu cầu điện tương lai của hệ thống năng lượng toàn cầu.

Diễn đàn diễn ra 2 phiên thảo luận với các chủ đề: “Chuyển dịch năng lượng trên thế giới và hiện trạng tại Việt Nam”, “Doanh nghiệp Việt Nam và chuyển dịch năng lượng”. Các diễn giả tham gia đã tập trung trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam giai đoạn tới; cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đưa ra khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đăc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển dịch năng lượng yếu tố then chốt cho phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.