Kinh tế

Phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi: Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Bảo Hân 07/01/2024 09:55

Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, điện khí và điện gió ngoài khơi chiếm khoảng 50% tổng công suất nguồn điện cần bổ sung.

Trong khi đó, mỗi dự án cần ít nhất 7-8 năm mới có thể đưa vào vận hành. Do vậy, từ giữa tháng 12-2023 đến nay, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các dự án vận hành đúng tiến độ.

dien-gio.jpg
Các trụ điện gió của Nhà máy Điện gió Đông Hải I (tỉnh Trà Vinh).

Áp lực đi cùng thách thức

Theo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023), tổng công suất nguồn điện phát triển đến năm 2030 là 150,489GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay). Trong đó, tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424MW (10 dự án điện khí với tổng công suất 7.900MW và 13 dự án LNG với tổng công suất 22.824MW). Tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Trong khi đó, dự thảo chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen, trong đó phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác đạt khoảng 100-500.000 tấn/năm vào năm 2030; định hướng đến năm 2050 làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất, sử dụng năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng, đây là áp lực lớn khi thực tế triển khai dự án điện khí cần khoảng 7-8 năm, dự án điện gió ngoài khơi cần khoảng 6-8 năm. Do đó, việc đưa các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi vào vận hành đúng tiến độ cần sự quan tâm của các cấp, ngành, cùng những cơ chế, chính sách phù hợp.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong nêu, do chưa có chính sách về tài chính, bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... nên các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu…

Về vấn đề này, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng thông tin, do thiếu các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro là rất cao với nhà đầu tư. Về điện gió ngoài khơi, PVN hoàn toàn có khả năng thực hiện, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch, chưa có địa điểm, chưa rõ cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt.

Cần cơ chế đặc biệt

Trong các cuộc làm việc, lấy ý kiến được Bộ Công Thương tổ chức gần đây, các chuyên gia đều cho rằng, cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do các vướng mắc liên quan đến rất nhiều luật, cùng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương nên Bộ Công Thương cần có báo cáo trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần lập nhóm chuyên gia của các bộ, ngành rà soát chính sách liên ngành, cùng với những chuyên gia độc lập đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là không xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ... Góp ý về dự thảo chiến lược sản xuất hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, cần đặt trong chiến lược tổng thể năng lượng quốc gia.

Trước tính cấp bách và khẩn trương trong việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, các chuyên gia đề nghị có báo cáo chi tiết, liệt kê vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ vấn đề của từng bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội có hướng chỉ đạo giải quyết sớm như về xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện và các vấn đề cấp bách khác... nhằm tận dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của nước ta.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh, nếu tiếp tục để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế. Do vậy, cần sửa Luật Điện lực để bảo đảm giá điện tính đúng, tính đủ. Nút thắt về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả điện khí và điện gió.

Tiếp thu các ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ sớm tổng hợp báo cáo Chính phủ, trình cấp thẩm quyền để xây dựng cơ chế, chính sách, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong khi luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa kịp sửa đổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi: Cần sớm tháo gỡ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.