(HNM) - Báo Hànộimới ngày 3-5-2013 đã trích đăng nội dung Công văn số 1146- CV/VPTU của Văn phòng Thành ủy Hà Nội (được sự ủy quyền của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị) trả lời những ý kiến của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong công văn số 36/HSH gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Công văn của Thành ủy Hà Nội nêu rõ:
"Do tính chất quan trọng và khó khăn của dự án, đồng chí Bí thư Thành ủy cũng như tập thể lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm, lắng nghe ý kiến đóng góp của các ngành, các cấp, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời với mục tiêu bảo đảm giao thông cho tuyến đường trọng điểm trong nội đô, thành phố rất chú trọng việc bảo tồn di sản của quá khứ, quan tâm đúng mức những yêu cầu cấp bách của cuộc sống và tài sản của nhân dân, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đó cũng là quan điểm xuyên suốt trong quá trình giải quyết các công trình, dự án liên quan đến các di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy trên địa bàn thành phố Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều di sản văn hóa qua các thời kỳ"...
Từ nội dung trả lời của Văn phòng Thành ủy Hà Nội cũng như những ý kiến tranh luận thời gian qua về việc xây cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa, có thể thấy rõ một số vấn đề sau đây:
1. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của lãnh đạo thành phố Hà Nội là: Luôn trọng thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các ngành, các cấp, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân; đồng thời với mục tiêu xây dựng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân trong hiện tại và tương lai thì phải rất chú trọng việc bảo tồn di sản của quá khứ; quan tâm đúng mức những yêu cầu cấp bách của cuộc sống và tài sản của nhân dân, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Quan điểm đó từ trước đến nay luôn xuyên suốt trong quá trình giải quyết các công trình, dự án liên quan đến các di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ở đây cũng cần hiểu rằng, trong thực tiễn, tùy từng trường hợp cụ thể, trên nền tảng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, lãnh đạo thành phố sẽ xử lý đúng mức những vấn đề cần ưu tiên để bảo đảm sự hài hòa cho phát triển ổn định.
2. Quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội là quan điểm có tính khoa học, gắn với thực tiễn đời sống. Theo Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản - quan điểm thực tiễn là quan điểm số một trong các quan điểm triết học biện chứng ("Quan điểm về đời sống, về thực tiễn phải là quan điểm thứ nhất"). Trên cơ sở quan điểm biện chứng này, chúng ta không thể thoát ly thực tiễn, nếu không sẽ dẫn đến cực đoan (hoặc hữu khuynh) khi xử lý các vấn đề luôn luôn nảy sinh từ cuộc sống đang vận động hằng ngày. Từ quan điểm thực tiễn cho thấy phải hết sức tránh tình trạng lý luận suông, xa rời thực tế đời sống trong cách thức quản lý, điều hành cũng như trong hoạt động xã hội; đồng thời cũng không thể vì lợi ích của phía này mà phủ nhận phía kia.
3. Xây dựng một cây cầu vượt hay xây dựng công trình công cộng nào đó, suy cho cùng cũng hội tụ giá trị nhân văn là phục vụ chất lượng sống của nhân dân. Bàn thảo hay tranh luận bất cứ vấn đề gì cũng cần có tính văn hóa, huống gì bàn về văn hóa. Các ý kiến góp ý (có thể trái chiều), những phản biện (có thể gay gắt), nhưng trên tinh thần khoa học gắn với thực tiễn đời sống thì luôn được trọng thị, lắng nghe. Khi cầu thị lắng nghe những ý kiến khác nhau không có nghĩa là chấp nhận những ý kiến ngạo mạn, phủ nhận, đạp đổ. Các ý kiến có thể không đồng quan điểm nhưng đều phải xuất phát vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, đặt mình là người trong cuộc để suy tính thiệt hơn thì sẽ luôn được tôn trọng. Những ý kiến đó sẽ giúp các cấp chính quyền chọn được phương án tối ưu trong hàng chục phương án đệ trình, đáp ứng một cách hài hòa nhất những yêu cầu đặt ra.
4. Dự án xây dựng cây cầu vượt ở ngã năm Ô Chợ Dừa là một dự án quan trọng nhằm bảo đảm giao thông cho tuyến đường trọng điểm trong nội đô đồng thời kết hợp với những dự án khác thuộc đường Vành đai I, giải quyết ùn tắc giao thông - vốn là vấn đề gây bức xúc từng ngày, từng giờ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng quan trọng không kém là việc bảo tồn di sản. Để có phương án tối ưu, vừa phục vụ cho yêu cầu của sự phát triển, vừa bảo tồn được giá trị lịch sử, việc tranh luận là rất cần thiết. Bởi từ đó mới tìm được cách giải những bài toán khó. Tuy nhiên, thực tế gần đây đang có "mốt" một số người nhân một sự việc nào đó đã lớn tiếng chê bai theo lối phủ nhận, hạ bệ. Họ tự cho mình mới là quan trọng, mình mới là hiểu biết, và coi người khác (thậm chí là cả hệ thống chính quyền) là "vô sư vô sách". Đó là những người ngạo mạn nhưng xa rời thực tiễn, thiếu tính khoa học. Có những người vì "cái tôi" che lấp mà quá quan tâm đến "tranh" (giành phần đúng, phần thắng, tự giành cho mình vai trò quan trọng) mà ít để ý tới "luận" (đúng sai, phải trái), không lắng nghe ý kiến người khác. Nếu ai cũng chỉ nghĩ tới "cái tôi" của mình thì làm sao có thể lắng nghe người khác, từ đó đóng góp ý kiến một cách chân tình, khách quan, trung thực trong hành trình tìm giải pháp tối ưu, thỏa mãn tối đa những yêu cầu đặt ra ở mọi khía cạnh của vấn đề.
5. Suy cho cùng, khi có thiện chí và tôn trọng người khác, dù là người đó có quan điểm trái chiều với mình, sẽ giúp cho những người trong cuộc tìm được tiếng nói chung, tạo sự đồng thuận cao từ quan điểm tới hành động để tìm "đáp số" cho những bài toán phức tạp đang hằng ngày nảy sinh trong đời sống xã hội. Xin nhắc lại rằng, quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội là trân trọng mọi ý kiến đóng góp, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, thận trọng cân nhắc tìm ra những giải pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra trong đời sống xã hội. Gốc của vấn đề ở đây, như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức phải làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Đó chính là tiêu chí bắt buộc để góp ý, để xử lý các việc cụ thể trong hoạt động thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.