Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển biến trong giải ngân vốn xây dựng cơ bản

Trung Hiếu| 07/04/2018 07:45

(HNM) - Hà Nội có lượng vốn xây dựng cơ bản lớn. Những năm trước, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này chưa được như kỳ vọng do công tác đền bù giải phóng mặt bằng, sự chuyển đổi, sáp nhập giữa các đơn vị, năng lực của đơn vị thi công...


Ảnh Internet


Báo cáo mới nhất của thành phố do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản ký ngày 4-4-2018, gửi Bộ Tài chính về tình hình thực hiện thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công cho thấy, trong năm 2017, tổng số vốn được giao là hơn 37.037 tỷ đồng (trong đó kế hoạch vốn kéo dài năm trước chuyển sang là hơn 1.778 tỷ đồng, kế hoạch trong năm 2017 là hơn 35.258 tỷ đồng). Tính đến ngày 31-1-2018, kế hoạch vốn đầu tư năm 2017 đã được thành phố thanh toán là hơn 31.552 tỷ đồng (trong đó thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang là hơn 1.385 tỷ đồng, thanh toán kế hoạch trong năm 2017 là hơn 30.367 tỷ đồng). Như vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương trên địa bàn thành phố đã đạt tỷ lệ hơn 85,2%.

Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội, tính đến ngày 31-3, số liệu giải ngân chi đầu tư xây dựng cơ bản qua Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội là gần 2.487 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 8,1% kế hoạch năm). Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Thái Phúc, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội nhận định, tỷ lệ giải ngân trong quý I-2018 đạt con số trên vì nguyên nhân sau: Thông thường, năm kế hoạch 2017 kết thúc, các chủ đầu tư tiếp tục được giải ngân vốn của năm 2017 đến hết tháng 1-2018, sau đó tháng 2-2018 là Tết Nguyên đán, nghỉ dài ngày, các dự án hầu như không thi công. Vì vậy, thực chất việc giải ngân quý I chủ yếu là giải ngân trong tháng 3-2018. Thông thường, công tác giải ngân sẽ "chạy nước rút" chủ yếu ở quý III và quý IV của năm.

Trên thực tế, tiến độ thi công các dự án là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Do vậy, muốn tăng tỷ lệ giải ngân trong thời gian tới thì các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố như ga ngầm của 2 tuyến đường sắt; mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa... phải đẩy nhanh tiến độ nhằm phát triển hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thông tin thêm, những yếu tố kỹ thuật của quý I-2018 khiến thống kê công tác giải ngân còn thấp vì thực chất mọi hoạt động công việc trong quý đều dồn vào tháng 3-2018, đến cuối tháng các đơn vị mới có khối lượng để thanh, quyết toán...

Đặc biệt, ngày 9-3-2018, thành phố đã ban hành Văn bản số 928/UBND-KH&ĐT, triển khai cơ chế thanh toán linh hoạt vốn chuẩn bị đầu tư và vốn giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng cơ bản tập trung của thành phố giai đoạn 2018-2020... Văn bản của thành phố nêu rõ việc cần thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt chi phí công tác: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư công quan trọng quốc gia, nhóm A; lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong tổng nguồn vốn giao cho công tác chuẩn bị đầu tư hằng năm theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không phụ thuộc mức vốn giao của từng dự án...

Với những biện pháp đồng bộ kể trên, chắc chắn tiến độ các dự án sẽ được thúc đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển biến trong giải ngân vốn xây dựng cơ bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.