Tài chính

Giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội vẫn chậm

Hà Linh 12/03/2024 - 15:33

Ngày 12-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Theo đó, đến nay, việc giải ngân chương trình vẫn còn chậm, nguồn cung còn hạn chế.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm 2023, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2 triệu 890 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang được khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực; hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng; lĩnh vực nhà ở xã hội được chú trọng quan tâm giải ngân.

anh-hoi-nghi-120-nghin-ty.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Đối với chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, nên các ngân hàng chú trọng giải ngân đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội nên có thể kéo dài vài năm, bởi vậy không cần quá gấp, chỉ những dự án đủ điều kiện mới được ưu tiên giải ngân nhanh.

Thông tin về kết quả triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Xuân Bắc cho biết, đến nay, mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia, với 68 dự án. Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là: Hà Nội (6 dự án), thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)..., với 30 dự án có nhu cầu vay vốn.

Trong số 30 dự án này, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án, giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương, giá trị 95,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang 128,6 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giải ngân 415,7 tỷ đồng cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc thực hiện gói tín dụng có một số khó khăn, vướng mắc chính, đó là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng nên chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm.

Để thúc đẩy triển khai chương trình này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng công tác truyền thông, giới thiệu, tư vấn các nội dung tới khách hàng đủ điều kiện để khách hàng có đủ thông tin và chủ động tiếp cận, vay vốn khi có nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội vẫn chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.