(HNM) - Việc thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ197 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội trong một năm qua là đã bước đầu làm cho diện mạo Thủ đô trật tự và văn minh hơn. Lòng đường, vỉa hè trên một số tuyến phố trung tâm đã thông thoáng, ngăn nắp; người dân, du khách đã có lúc được thong dong tản bộ, làm những con phố Hà Nội trở nên đẹp hơn, thân thiện hơn.
Đó là kết quả từ cách làm bài bản, đồng bộ, sáng tạo,kiên trì từ công tác tuyên truyền vận động đến xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng… của cả hệ thống chính trị. Trong đó, phải kể đến sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của lực lượng công an, các đoàn thể, bảo vệ dân phố, tổ tự quản, thanh niên tình nguyện… Nhiều đơn vị, địa phương đã có giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả; đồng thời bám sát và chủ động thực hiện nguyên tắc mà lãnh đạo UBND thành phố đã đề ra là kiên trì, bài bản, không rầm rộ, làm đến đâu chắc đến đó, không để tái diễn vi phạm… Điều đó đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân Thủ đô, từ đó chủ động chấp hành quy định, chung tay giữ gìn phố phường luôn trật tự, ngăn nắp, sạch đẹp.
Với cách làm bài bản, đồng bộ, sáng tạo, chủ trương đúng đắn của thành phố đã dần đi vào cuộc sống với hiệu quả thực chất.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả tích cực kể trên, vẫn còn những hạn chế, có nơi, có lúc chưa làm tốt, cần có giải pháp khắc phục và sự vào cuộc quyết liệt hơn.
Đó là tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường vẫn còn khá phổ biến; vi phạm vẫn xảy ra ở tuyến phố nhỏ, ngõ, ngách. Việc kiểm tra, xử lý “xe dù”, “bến cóc”, xe khách “núp bóng” xe hợp đồng chạy tuyến cố định, xe ba bánh, xe chở hàng cồng kềnh vẫn mang tính phong trào, thiếu kiên quyết, chế tài chưa đủ mạnh nên gặp không ít khó khăn. Việc sắp xếp, treo biển quảng cáo ở một số tuyến phố chưa đồng bộ, nạn quảng cáo rao vặt tràn lan chưa chấm dứt… Nguyên nhân một phần là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, không chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật, mặt khác, ở đâu đó, sự vào cuộc của chính quyền, ban, ngành chưa đồng bộ, đồng đều hoặc thực hiện chưa “tới nơi, tới chốn”…
Để khắc phục tình trạng trên, duy trì nền nếp trật tự văn minh đô thị, các cấp, ngành cần coi việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 là việc làm thường xuyên, liên tục, với tinh thần kiên trì, quyết liệt hơn nữa. Muốn vậy, mỗi cán bộ và từng người dân phải là những tuyên truyền viên tích cực, gương mẫu, chủ động để đưa chủ trương của thành phố thấm sâu trong từng tuyến phố, ngõ ngách, khu dân cư. Trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của người dân là đặc biệt quan trọng. Khi người dân hiểu, chủ động chấp hành quy định, không chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán...
Dẫu vậy, không thể thay đổi nhận thức trong ngày một, ngày hai. Bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng, nòng cốt là lực lượng công an, chính quyền địa phương tiếp tục gương mẫu, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để vi phạm. Kiên quyết khắc phục tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, làm “căng” chỗ nọ nhưng “chùng” chỗ kia… Cùng với kiểm tra, xử lý vi phạm cần tiếp tục quy hoạch, bố trí, sắp xếp hợp lý phục vụ nhu cầu kinh doanh, đi lại, đỗ xe cũng như bảo đảm thu nhập cho đối tượng trong diện điều chỉnh khi thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ197. Về lâu dài, thành phố nên nghiên cứu lựa chọn, xây dựng tuyến phố bán hàng rong, mở thêm các tuyến phố đi bộ... Trong đó, người đứng đầu cơ quan, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; phân công, phân nhiệm rõ ràng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác.
Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, nếp nghĩ, cách làm thì hiệu quả mới cao và bền vững hơn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.