Trên trang web của Bộ Nội vụ Nga đăng tải công khai danh sách những phần tử bị Nga truy nã về tội phạm hình sự. Hiện tại có 96.752 cái tên.
Điều đáng được chú ý là trong đó có tên tuổi và nhân thân của hơn 160 chính trị gia, dân biểu, quan chức của nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đa số đến từ Lithuania, Estonia, Latvia và Ba Lan, cũng như đến từ Ukraine.
Nổi bật nhất trong bản danh sách đen này là Quốc vụ khanh của Estonia Taimar Peterkop, Bộ trưởng Văn hóa Lithuania Simonas Kairys và mới đây nhất Thủ tướng Estonia Kaja Kallas.
Cáo buộc chính thức của Nga đối với diện chức sắc này của EU và Ukraine là có những "hành động thù địch chống lại di sản lịch sử của nước Nga", cụ thể là hủy hoại những tượng đài và di tích lịch sử của Nga trên lãnh thổ các nước này có liên quan đến đóng góp quyết định của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức và giải phóng châu Âu hồi nửa đầu thế kỷ trước.
Trên thực tế, Nga còn dùng bản danh sách đen này để thể hiện phản ứng bất bình về việc các nước kia thực thi chính sách bài xích người Nga, ngôn ngữ Nga và văn hóa Nga. Việc họ đối đầu trực tiếp với Nga và hậu thuẫn Ukraine chiến tranh với Nga ở Ukraine làm cho mức độ xung khắc quan điểm giữa họ với Nga trong các chủ đề nội dung trên càng thêm gia tăng và bản thân mối bất hòa càng thêm khó được khắc phục.
Việc quốc gia này hay quốc gia kia lập danh sách đen như vậy để truy nã hay trừng phạt cho đến nay vốn không còn là chuyện hiếm trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã bị tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ. Dù ở đâu và liên quan đến ai thì chuyện này cũng đều pha trộn giữa đối ngoại và đối nội mà thường là đối ngoại phục vụ đối nội. Chuyện bản danh sách đen nói trên của Nga cũng vậy.
Nhìn nhận khách quan và công bằng thì sẽ thấy, phía Nga không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải thể hiện phản ứng quyết liệt và đáp trả thích đáng khi quá khứ lịch sử vẻ vang giải phóng châu Âu khỏi chủ nghĩa phát xít Đức bị phủ nhận và xúc phạm, khi những di sản lịch sử, giá trị văn hóa và ngôn ngữ của Nga bị bài xích.
Nga còn càng phải phản ứng và đáp trả như vậy trong bối cảnh có cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine cùng với cuộc đối địch không khoan nhượng về mọi phương diện giữa Nga với EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thế giới phương Tây, đặc biệt hiện tại về chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, thương mại, tài chính và cả về pháp lý quốc tế nữa.
Tổng thống Vladimir Putin phải phản ứng và đáp trả đến mức độ ấy để thể hiện trước dân chúng và cử tri ở Nga là nhà lãnh đạo này kiên quyết bảo vệ lợi ích và lý tưởng của Nga, có đủ bản lĩnh, năng lực ứng phó mọi thách thức và đối địch đến từ bên ngoài đối với nước Nga. Thông điệp của Nga rõ ràng là nước Nga không để cho các đối thủ và địch thủ ở châu Âu cũng như trên thế giới có thể muốn làm gì với nước Nga cũng được.
Những chính trị gia và chức sắc của các nước thành viên EU và Ukraine bị Nga đưa vào danh sách truy nã chỉ gặp nguy cơ bị phía Nga bắt giữ khi nhập cảnh vào Nga. Dù vậy, sự hiện diện tên của họ trong bản danh sách đen này của Nga đủ để cho thấy mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia này hiện không những chỉ rất xấu mà còn gần như không có cơ hội và triển vọng có thể được cải thiện.
Như thế cũng còn có nghĩa cuộc chiến ở Ukraine chưa thể sớm kết thúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.