(HNM) - Những ngày cuối cùng của năm 2019, Hà Nội đã hoàn thành công tác "chấm điểm" sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của năm. Kết quả đã có 301 sản phẩm Chương trình OCOP được đánh giá, phân hạng cấp thành phố, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình với kết quả cao hơn trong năm 2020.
301 sản phẩm được đánh giá, phân hạng
Là doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nấm ăn, mỗi ngày, Công ty cổ phần KMS đầu tư - sản xuất và thương mại (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) cung cấp 800-1.000kg nấm các loại cho siêu thị, nhà hàng, chuỗi thực phẩm sạch trên cả nước. Giám đốc Công ty Triệu Quang Trung cho biết: Đơn vị có 6 sản phẩm nấm ăn tham gia Chương trình OCOP. Mới đây, "Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP thành phố Hà Nội đến năm 2020" đã “chấm điểm” sản phẩm của công ty đạt các tiêu chí công nhận sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố (3-4 sao).
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, tham gia Chương trình OCOP năm 2019, huyện Sóc Sơn có 28 sản phẩm là các loại rau, củ, quả, nấm ăn, bánh chưng, chè. Các sản phẩm này đều là thế mạnh của huyện và cơ bản đáp ứng đủ tiêu chí... Trong khi đó, huyện Quốc Oai có 11 sản phẩm như trứng gà, giò lụa...; huyện Hoài Đức có 6 sản phẩm miến các loại... đã qua đánh giá đủ tiêu chí công nhận sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, qua rà soát, đối chiếu với 6 nhóm sản phẩm trong Chương trình OCOP của Trung ương (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn), Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm có lợi thế… Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đánh giá và xếp hạng 800-1.000 sản phẩm. Trong đó, riêng năm 2019, Hà Nội đánh giá, phân hạng cho 300 sản phẩm.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay đã tổ chức 2 đợt chấm điểm sản phẩm Chương trình OCOP. Trong đợt 1, Hà Nội đã chấm điểm tại 5 huyện, có 92 sản phẩm đạt tiêu chí (trong đó, thành phố đã quyết định công nhận 24 sản phẩm đạt tiêu chí 3-4 sao). Đợt 2, Hà Nội tiếp tục chấm điểm tại 16 quận, huyện, thị xã, có 209 sản phẩm đủ tiêu chí, trình UBND thành phố công nhận sản phẩm Chương trình OCOP.
Tiếp tục hỗ trợ Chương trình OCOP
Để đạt mục tiêu của năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân chuẩn hóa sản phẩm để đạt tiêu chí Chương trình OCOP... Các địa phương cũng đề ra mục tiêu cụ thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, huyện phấn đấu năm 2020 có 45 sản phẩm được công nhận là sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố. Tương tự, huyện Đan Phượng phấn đấu có 107 sản phẩm được phân loại, xếp hạng Chương trình OCOP...
Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh, dịch vụ, tổng hợp Thụy Lâm (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho biết: “Sản phẩm nếp cái hoa vàng Thụy Lâm” vừa được thành phố công nhận sản phẩm Chương trình OCOP. “Có chứng nhận sản phẩm Chương trình OCOP, chúng tôi mong muốn sẽ có thị trường tiêu thụ ổn định để bà con yên tâm sản xuất”, bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị.
Chương trình OCOP giúp các địa phương khai thác thế mạnh đặc sản nông nghiệp, làng nghề... nhằm mang lại giá trị thu nhập cao hơn cho nông dân. Phát biểu tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 diễn ra tháng 12-2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường gợi ý, Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở, người dân chuẩn hóa quy trình sản xuất trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học, công nghệ. Cùng với đó là kiên trì, liên tục đổi mới sáng tạo, làm tốt công tác nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, dự kiến đầu năm 2020, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị công bố các sản phẩm được công nhận sản phẩm Chương trình OCOP năm 2019 của thành phố; đồng thời triển khai các điểm trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm Chương trình OCOP. Cũng trong năm 2020, thành phố sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai 6 hội chợ Chương trình OCOP vùng miền trên cả nước để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối Chương trình OCOP... cả nước trong đó có Hà Nội.
Theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg, ngày 21-8-2019, của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, Bộ tiêu chí của sản phẩm Chương trình OCOP gồm ba phần: Phần A là các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm); phần B là các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm); phần C là các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm). Căn cứ vào kết quả đánh giá theo bộ tiêu chí, sản phẩm được phân thành 5 hạng: 5 sao, 4 sao, 3 sao, 2 sao và 1 sao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.