Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tối 24-7, tại Quảng Trị, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình”.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ và đông đảo người dân.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Trương Thị Mai bày tỏ xúc động, tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đến các thế hệ đi trước, các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình cho đất nước, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) cũng là dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022). Biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc ở tuổi mười tám, đôi mươi đã gác lại ước mơ, hoài bão, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống giành lấy từng mét vuông đất ở Thành cổ Quảng Trị. Những địa danh như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Tà Cơn, Dốc Miếu, Khe Sanh… mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị là 60.000 liệt sĩ ở 72 nghĩa trang; xương máu các anh, chị đã hòa vào lòng sông Thạch Hãn, hòa vào lòng đất mẹ. Các anh, các chị đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng căn dặn “ăn quả, nhớ người trồng cây”. Hôm nay, chúng ta nhớ đến các Anh hùng liệt sĩ. 75 năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành; chính sách người có công cách mạng là chính sách tôn vinh, là chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước. Nhiều hoạt động thiết thực đã hỗ trợ, giúp đỡ cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công, mang lại tình cảm ấm áp, sự sẻ chia, lòng biết ơn, góp phần phát huy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào, mang ý nghĩa sâu sắc đến thế hệ trẻ Việt Nam.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước nhiều năm qua luôn quan tâm giữ gìn, bồi đắp, tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước. Nhiều hoạt động tri ân người có công của tuổi trẻ để lại tình cảm tốt đẹp được Đảng, Nhà nước, xã hội và người có công ghi nhận, đánh giá cao. Khát vọng tuổi trẻ ngày nay là tiếp bước cha anh xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Sau chiến tranh, Quảng Trị đã vươn lên mạnh mẽ, đã hồi sinh, có nhiều kết quả rất đáng trân trọng. Đồng chí chúc mừng tỉnh Quảng Trị đã đạt những kết quả, thành tích trong nhiều năm qua, chúc cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt hơn, nhất là cuộc sống của người có công.
Chương trình được tổ chức tại Quảng trường Giải phóng kết nối với không gian sân khấu Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị, Bến thả hoa sông Thạch Hãn. Chương trình diễn ra với 3 chương chính gồm: Máu và hoa; Máu và hòa bình; Khúc thanh ca. Thông qua các tiết mục hát, múa, lời bình nghệ thuật; đồ họa màn hình và phóng sự tài liệu, chương trình đã làm sống dậy một thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng của dân tộc ta.
Với hình tượng chủ đạo xuyên suốt là “Dòng sông ước vọng”, chương trình đã dẫn dắt cảm xúc người xem ở các cung bậc cảm xúc khác nhau như: Hình ảnh dòng sông năm xưa chở những ước mơ, hoài bão của thế hệ cha ông đang tuổi đôi mươi sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Các anh đã ngã xuống trên mảnh đất này, dùng giọt máu đào đỏ tươi để viết nên những khúc tráng ca bất tử cho ngày độc lập, tự do của đất nước. Dòng sông hôm nay chở những khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân tộc và ước vọng hòa bình cho toàn nhân loại không còn chia lìa, mất mát khổ đau.
Điều này được thể hiện bởi “màu hòa bình” mang đậm khí phách, “hồn cốt” của người Việt Nam trong gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng vẫn kiên cường, đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống mới trên những chiến trường ác liệt năm xưa. Khát vọng hòa bình hôm nay của một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát được thể hiện qua hình ảnh của sức trẻ dựng xây quê hương làm theo lời Bác Hồ kính yêu. Tất cả đã được thể hiện ở dòng sông linh thiêng với mạch chảy của sự sống, sinh sôi, đổi thay đã kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai trong một “Khát vọng hòa bình” xuyên suốt.
Chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh những chiến công bất tử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cha ông ta. Qua đó đưa khán giả cùng nhau ngược dòng thời gian, chiêm nghiệm quá khứ để trân trọng giá trị của hòa bình trên mảnh đất thiêng Quảng Trị ngày hôm nay. Chương trình cũng góp phần truyền tải thông điệp hòa bình đến người dân trong nước và quốc tế.
Nhân dịp đến tỉnh Quảng Trị dự Lễ thắp nến tri ân Anh hùng liệt sĩ cấp quốc gia và chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình”, đồng chí Trương Thị Mai đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm và tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.