(HNMO) - Tối 5-5, Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định).
Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi Trung bộ là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại sẽ diễn ra ngày 5-5. (ảnh minh hoạ). |
Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UBND tỉnh Bình Định và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, TP Đà Nẵng tổ chức.
Chương trình do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên làm Tổng đạo diễn, với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản Bài Chòi tham gia trình diễn. Trong đó, riêng tỉnh Bình Định (nơi đăng cai tổ chức) có 30 nghệ nhân tham gia.
Buổi lễ là dịp để tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của nghệ thuật Bài chòi Trung bộ đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, khơi gợi lòng tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại; góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Trung bộ.
Tại Lễ đón Bằng của UNESCO, công chúng sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Âm vang nghệ thuật Bài chòi”.
Chương trình gồm 3 chương: Chương 1 “Về nơi nguồn cội Bài chòi” - giới thiệu Bài chòi từ lúc sơ khai đến khi trở thành loại hình nghệ thuật dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần người miền Trung; Chương 2 “Bài chòi - hồn cốt văn hóa miền Trung” - khẳng định Bài chòi đã đi vào đời sống văn hóa, sinh hoạt của con người Trung bộ; Chương 3 “Ngàn năm nhịp phách Bài chòi còn vang” là phần văn nghệ quy tụ tất cả các đoàn nghệ thuật từ các tỉnh tham gia, tạo nên cái kết hoành tráng cho chương trình.
Chương trình nghệ thuật này sẽ giúp công chúng hiểu hơn về những nét đẹp của nghệ thuật Bài chòi - di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy của nhân dân các tỉnh miền Trung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.