(HNM) -
Nhưng không phải đến bây giờ những người bạn Hàn Quốc mới đến với vùng đất còn nhiều khó khăn này, mà trước đó, "Hạnh phúc" đã được họ trao gửi thông qua nhiều hoạt động thiết thực mà dự án nâng cấp Trường Trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị là một ví dụ có tính điển hình.
Với tổng mức đầu tư 110,760 tỷ đồng, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là 4,7 triệu USD, tương đương 97,760 tỷ đồng và vốn đối ứng 13 tỷ đồng, dự án nâng cấp Trường Trung cấp nghề Quảng Trị đã đem lại một sức sống mới cho ngôi trường này. Được xây mới trên tổng diện tích 4.000m2, gồm 7 phòng chức năng (phòng học tiếng Hàn, khoa công nghệ ô tô, khoa công nghệ thông tin, khoa điện lạnh, khoa thiết kế (CAD), khoa ứng dụng chế tạo máy (CAM), Trung tâm thông tin Việt - Hàn), hiện trường đã có cơ sở vật chất khang trang, trở thành một cơ sở đào tạo nghề hiện đại của tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung. Được học tập và đặc biệt là thực hành trên hệ thống máy hiện đại, sinh viên của trường sau tốt nghiệp đạt chuẩn nghề ASEAN. Không những thế, khi học tại đậy, họ còn được đào tạo tiếng Hàn, rèn tác phong công nghiệp để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như các công ty ở xứ sở Kim chi thông qua chương trình xuất khẩu lao động. Thông qua sự giúp đỡ của KOICA, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn trực tiếp ký hợp đồng hợp tác đào tạo với trường, "đặt hàng" và cam kết sử dụng sản phẩm đào tạo của trường. Dự kiến, từ nay đến năm 2017 trường sẽ tuyển từ 500 đến 1.300 học viên mỗi năm. Ngoài ra, cán bộ, giảng viên còn được sang Hàn Quốc tập huấn để tiếp thu công nghệ đào tạo nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả của dự án. Sự hỗ trợ vững chắc này không chỉ giúp đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, phù hợp với quy mô phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, góp phần không ngừng nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, mà còn là "cần câu" để người dân Quảng Trị xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập một cách bền vững.
Trong buổi lễ khánh thành dự án Trường Trung cấp nghề Quảng Trị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Bee Joo đã chia sẻ rằng: "Hàn Quốc làm nên kỳ tích nhờ việc xây dựng làng mới với mục tiêu mỗi làng quê tự dựa vào sức mình để phát triển. Việt Nam hiện cũng có phong trào xây dựng nông thôn mới và Hàn Quốc mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm đã có được trong việc xây dựng làng mới để giúp Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước".
Quảng Trị và Lào Cai đã được chọn thí điểm tham gia "Chương trình Hạnh phúc" nhằm giúp xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, hỗ trợ trang thiết bị giáo dục quy mô nhỏ, tăng cường năng lực y tế cơ sở; hỗ trợ trồng cây bản địa nhằm cải tạo vùng đất cát ven biển, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo lãnh đạo, tăng cường năng lực hành chính công... Những địa bàn chậm phát triển sẽ được đầu tư tổng thể theo mô hình làng mới của Hàn Quốc. Ngay sau khi ký kết, Trường Mầm non Triệu An (xã Triệu Phong) đã được ưu tiên đầu tư. Ngôi trường chỉ có một phòng học, đang trong cảnh tan hoang sau bão, sẽ trở thành một cơ sở giáo dục hoàn chỉnh với 4 lớp học. Khi đó, không chỉ số học sinh 5 tuổi được đi học như trước mà tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường sẽ được ra lớp. Niềm hạnh phúc ấy của người dân Triệu Phong nói riêng, nhân dân Quảng Trị nói chung, có được nhờ những tấm lòng nhân ái đến từ Hàn Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.