Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Kết nối Biển Đông”: Ý nghĩa, thiết thực

Hoàng Lân| 07/10/2013 21:59

(HNMO) – Tối 7-10, chương trình giao lưu nghệ thuật “Kết nối Biển Đông” được tường thuật trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình...


Hiện có nhiều tàu thuyền của các ngư dân thiếu các thiết bị liên lạc, thông tin


“Kết nối Biển Đông” là chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt được thực hiện ngay khi đồng bào miền Trung đang tập trung khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 10 vừa gây ra. Chương trình do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Nguồn thu từ chương trình để trang bị cho ngư dân thiết bị thông tin liên lạc, phục vụ công tác thông tin, tìm kiếm cứu nạn, giúp ngư dân sớm nắm bắt được thông tin chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai, góp phần cổ vũ ngư dân bám biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hàng năm, người dân miền Trung phải đối mặt với hàng chục cơn bão lớn nhỏ, gây ra những thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần cho những ngư dân sống ven biển. Một trong những nguyên nhân khiến cho người dân miền Trung năm nào cũng chịu thiên tai nặng nề khi có những cơn bão ập đến là do thiếu những phương tiện thông tin liên lạc. Đây là thực tế ai cũng biết nhưng không phải ngư dân nào cũng có điều kiện để tự trang bị cho con tàu của mình khi mà số tiền cho một bộ thiết bị như vậy là 30 triệu đồng.


Lễ phát động chiến dịch Kết nối biển Đông


Theo con số thống kê mà Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng công bố trong chương trình, tính đến tháng 8 – 2013, chỉ có gần 10 nghìn tàu thuyền được trang thiết bị thông tin đầy đủ, vẫn còn một số lượng lớn tàu thuyền của các ngư dân vẫn thiếu thiết bị liên lạc, đó là nguyên nhân khiến cho việc liên lạc thông tin từ đất liền còn hạn chế.

Trong chương trình “Kết nối biển Đông”, câu chuyện của những ngư dân của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khiến cho khán giả truyền hình hiểu hơn về những khó khăn, nỗi đau của người dân ven biển miền Trung đang ngày đêm đối mặt. Câu chuyện của cô gái trẻ 22 tuổi Chu Thị Thu An đang chịu nỗi đau mất chồng chỉ sau một chuyến đi biển vào tháng 3, hay chuyện của chàng ngư dân Bùi Văn Phải từng bị tàu nước ngoài bắn khi ở ngoài khơi xa... đã khắc họa rõ nét những mỗi nguy hiểm của ngư dân ven biển miền Trung đang hàng ngày gặp phải.

Bên cạnh phần giao lưu, chương trình “Kết nổi Biển Đông” còn có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ với nhiều tiết mục nghệ thuật hướng về biển đảo. Đó là ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” do Trọng Tấn – Anh Thơ biểu diễn; “Nơi đảo xa” do ca sĩ Việt Hoàn thể hiện: “Gần lắm Trường Sa”, biểu diễn Anh Thơ; “Thư gửi Trường Sa”qua tiếng hát của ca sĩ Trọng Tấn; “Nghe em hát ở Trường Sa” do ca sĩ Thành Lê thể hiện...

Trong chương trình, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tặng tiền, hiện vật và nhiều thiết bị viễn thông, đặc biệt là rất nhiều bộ máy Icon cho BTC. BTC cũng công bố đã nhận được 500 triệu đồng từ tin nhắn ngay trong đêm tổ chức chương trình. Theo ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, kể từ khi phát động chiến dịch “Kết nối Biển Đông” cho đến giờ đã nhận được hơn 5 tỷ đồng tiền mặt, 3,6 tỷ đồng từ tin nhắn. Mục tiêu của nhà tổ chức chương trình là thu được từ 10 tỷ đồng trở lên để mua thiết bị viễn thông cho bà con ngư dân có điều kiện bám biển, bám đảo, phát triển kinh tế biển.


Hình thức ủng hộ của chương trình “Kết nối Biển Đông”

- Nhắn tin qua Cổng thông tin điện tử Nhân đạo quốc gia với nội dung: BD gửi 1400 (10.000đ/tin nhắn)
- Ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật gồm: các trang thiết bị vô tuyến sóng ngắn Icon, thiết bị thông tin, liên lạc lắp đặt cho tàu thuyền đánh cá trên biển...
- Ủng hộ trực tiếp bằng tiền qua tài khoản của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Kết nối Biển Đông”: Ý nghĩa, thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.