(HNM) - Chương trình doanh nghiệp ưu tiên mang lại rất nhiều lợi ích cho DN như giảm thời gian thông quan hàng hóa, bảo đảm cung cấp vật tư nhập khẩu kịp thời và đúng kế hoạch; giảm đáng kể chi phí, tạo uy tín với đối tác trong và ngoài nước...
Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố mới có 6 đơn vị được chọn là doanh nghiệp ưu tiên (DNƯT), gồm: Công ty TNHH Intel Việt Nam; Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam… Trong đó, DN FDI chiếm tới 2/3. Qua 2 năm thực hiện AEO, các DN phản ánh chương trình đã mang lại nhiều lợi ích rất thiết thực.
Nhiều DN trong nước hiện chưa đủ điều kiện để được công nhận DNƯT. |
Được cấp giấy chứng nhận DNƯT ngay khi triển khai chương trình (năm 2011), đại diện Công ty TNHH Intel Việt Nam cho hay, lợi ích DN có thể thấy rất rõ. Cụ thể, thời gian thông quan hàng hóa tính từ thời điểm DN truyền dữ liệu tờ khai đến khi nhận được phản hồi và thời gian thông quan hàng hóa tại cảng bình quân giảm từ 24 tiếng xuống còn 6 tiếng. Nhờ vậy, nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Intel Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD thì 5 tháng đầu năm 2013, đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Bên cạnh lợi ích kinh tế, theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, phụ trách bộ phận XNK của Intel Việt Nam, việc được ưu tiên cũng giúp DN nâng cao uy tín với khách hàng và đối tác… Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam cho biết, so với trước, nay thời gian thông quan hàng hóa giảm khoảng gần 200 giờ/tháng. Không chỉ có thế, các DN đã giảm chi phí do được miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa, phí lưu container, kho bãi, cảng. Còn Vinafood 2 dù mới được công nhận cũng phấn khởi cho biết, trước kia DN mất 3 giờ/1 lô hàng, còn nay thời gian chỉ trong vòng 5 đến 10 phút. Mặt khác, cùng lúc DN có thể khai từ 10 đến 20 tờ khai XK tại nhiều chi cục hải quan và đều được thông quan nhanh chóng.
Đến lúc hạ tiêu chí
Theo quy định, DNƯT phải là những DN có độ rủi ro thấp nhất, đáp ứng đủ 7 điều kiện, trong đó, DN có quá trình tuân thủ pháp luật hoặc đã có sai phạm nhưng chỉ bị xử phạt hành chính không quá 3 lần, mức phạt mỗi lần không quá 20 triệu đồng; có doanh thu XNK các mặt hàng tối thiểu 500 triệu USD/năm; kim ngạch XK đạt tối thiểu 100 triệu USD/năm với hàng nông, thủy sản, dầu thô có xuất xứ thuần túy Việt Nam; những DN trong lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước khuyến khích đầu tư, có yêu cầu đặc biệt về quy trình sản xuất và quản lý sản phẩm…
Ông Trần Thoang, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) lý giải, AEO được xem là giấy thông hành cho DN trong thương mại quốc tế. Do đó, tất cả những tiêu chí, điều khoản đều phải thực hiện theo thông lệ quốc tế. Chính bởi tiêu chí ngặt nghèo như vậy nên TP Hồ Chí Minh chỉ có 6 DNƯT trong số hàng chục nghìn DN hoạt động XNK. Đó là chưa nói, trong 6 DNƯT của toàn TP thì chiếm tới 2/3 là DN FDI. Điều này đồng nghĩa với việc DN "nội" đang thua kém năng lực cạnh tranh. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng AEO vẫn còn nhiều bất cập và đã đến lúc hạ tiêu chí để nâng cao sức cạnh tranh cho DN nội địa trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Cụ thể, theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, quy định mức kim ngạch là 350 triệu USD/năm đối với DNƯT loại 1 và 70 triệu USD/năm đối với DNƯT loại 2 sẽ gây khó khăn, không khuyến khích các DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Vì vậy, nên chăng quy định kim ngạch đối với DNƯT loại 1 giảm xuống còn 200 USD/năm; DNƯT loại 2 tối thiểu đạt 50 USD/năm… Mặt khác, Thông tư 63/2011/TT-BTC (về việc áp dụng thí điểm chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với DN đủ điều kiện) mới chỉ quy định DNƯT trong XK hàng hóa thủy sản, nông sản, dầu thô, gây thiệt thòi cho các DN dệt may, da giày… - những lĩnh vực đang là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, phải sớm bổ sung số DN này vào chương trình.
Hiện tại, Tổng cục Hải quan Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo thông tư thay thế Thông tư 63, dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính trong tháng 6 và ban hành trong tháng 7 này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.