(HNM) - Sau khi Mỹ và Cuba tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao cuối năm 2014, ngày 11-5, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên công du tới quốc đảo này. Ông là Tổng thống Pháp đầu tiên và cũng là nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên tới thăm Cuba
Tổng thống Pháp F.Hollande (trái) và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc gặp tại La Habana. |
Trước thềm chuyến đi, ông F. Hollande tuyên bố: "Pháp là quốc gia đầu tiên ở Châu Âu có thể nói với Cuba rằng chúng tôi sẽ ở bên Cuba nếu họ có những bước đi cần thiết hướng tới mở cửa". Sự kiện này cho thấy sự ủng hộ của Paris đối với đồng minh Washington trong việc xích lại gần La Habana, nhưng mặt khác, chuyến thăm cũng chỉ rõ Pháp đang có những bước đi cạnh tranh với Mỹ trong quan hệ kinh tế, thương mại với Cuba. Một lịch trình dày đặc trong chặng dừng chân ngắn ngủi hơn một ngày ở Cuba của ông F.Hollande cùng sự tháp tùng của 30 lãnh đạo doanh nghiệp Pháp là minh chứng cho việc Paris muốn thúc đẩy quan hệ với đảo quốc Caribe và tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp Pháp tại đây. Tại cuộc hội đàm tối 11-5, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống F. Hollande đã thảo luận về việc tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước. Ngay sau đó, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận tập trung vào việc cải thiện tiếp cận thị trường Mỹ Latinh. Hiện tại, thương mại giữa hai bên còn khá khiêm tốn với trị giá khoảng 388 triệu USD mỗi năm, trong đó cán cân luôn nghiêng về phía Pháp. Theo ông chủ điện Elysee, điều quan trọng không phải là những hợp đồng ký với Cuba mà là từ điểm xuất phát đó, doanh nhân Pháp sẽ tiếp cận được thị trường Mỹ Latinh rộng lớn.
Liên minh Châu Âu (EU) gián đoạn quan hệ với Cuba năm 2003 sau khi cáo buộc nước này trấn áp những người bất đồng chính kiến. Hơn một thập niên sau, tháng 4-2014, EU mở lại đàm phán khôi phục mối liên hệ với nước này. Trong đó, Pháp và Hà Lan là những nước ủng hộ mạnh mẽ việc bình thường hóa quan hệ giữa Cuba với EU. Thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1902, Pháp và Cuba có mối liên hệ chặt chẽ về lịch sử và văn hóa. Pháp cũng là đối tác thương mại quan trọng của đảo quốc này, đứng thứ 11 trên thế giới và thứ 5 tại Châu Âu. Kể từ năm 1992, Paris đã bỏ phiếu tại Liên hợp quốc ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt chống lại La Habana. Pháp đồng thời đóng vai trò tích cực trong tiến trình đàm phán về Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác giữa Cuba và EU. Dưới thời kỳ Pháp làm Chủ tịch EU năm 2008, EU và Cuba đã nối lại đối thoại chính trị giữa hai bên. Một trong những mục tiêu của Tổng thống Pháp F. Hollande trong chính sách đối ngoại khi bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2012 là tăng cường các mối liên hệ của Pháp với khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã ghé thăm Cuba tháng 4-2014 trong chuyến đi đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp tới Cuba trong 3 thập kỷ qua.
Chương mới trong quan hệ Mỹ - Cuba cũng như với Châu Âu đang khiến quốc đảo Caribe này có sự "chuyển mình" đáng kinh ngạc. Tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại thương và đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca thông báo chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài vào 246 dự án thuộc 11 lĩnh vực, với tổng trị giá lên tới 8,71 tỷ USD. Trọng tâm của chương trình này là năng lượng tái tạo, vì La Habana đang tìm cách thay đổi cơ cấu hiện tại chủ yếu dựa vào nguồn nhiệt điện của mình. Nông nghiệp, khai mỏ, một số ngành công nghiệp, xây dựng và du lịch cũng là những lĩnh vực Cuba đang sẵn sàng đón chào dòng vốn đầu tư. Nhằm thúc đẩy chính sách này, Quốc hội Cuba năm ngoái đã thông qua đạo luật nhằm bảo đảm và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài bỏ vốn vào "hòn đảo tự do", đặc biệt là vào Đặc khu phát triển Mariel. Nằm ở phía tây thủ đô La Habana và sở hữu hải cảng nước sâu duy nhất của Cuba cho tới nay, Mariel được dự tính là đầu tàu thúc đẩy đầu tư và thương mại chính của đảo quốc này trong 25 năm tới. Hiện tại, đã có khoảng 200 công ty từ hơn 30 quốc gia có ý định đầu tư vào đây.
Trong những tháng gần đây, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản, EU, Italia, Hà Lan và Nga đã tới thăm Cuba trong những nỗ lực nhằm thiết lập hay duy trì quan hệ với nước này. Trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới đều mong muốn có sự ảnh hưởng tại quốc gia Mỹ Latinh, chuyến thăm của Tổng thống Pháp F.Holland không có gì là bất ngờ. Sự hiện diện của người đứng đầu nước Pháp không chỉ khẳng định chính sách đối ngoại rõ ràng của Paris mà cũng mở ra những cơ hội cho quốc đảo Caribe trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.