(HNM) - Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản không chỉ để xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng các mặt hàng bán ra thị trường mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa có nhiều chuỗi liên kết; việc kết nối nông dân với doanh nghiệp còn không ít bất cập. Vậy đâu là giải pháp để phát triển các chuỗi liên kết nông sản mang lại hiệu quả thực tế cho cả người sản xuất và tiêu dùng?
Hiệu quả đã rõ, vì sao khó nhân rộng?
Từ năm 2012, nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) thực hiện thí điểm dự án Pamci, canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ do Nhật Bản hỗ trợ. Trên cơ sở thành công của dự án này, năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được thành lập. Hiện nay, hợp tác xã có 103 thành viên, canh tác trên diện tích 25ha, có liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Từ vụ xuân năm 2019, hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam tiêu thụ 100% sản phẩm. Thu nhập từ 1ha canh tác lúa đạt 180 triệu đồng/năm, tăng 1,8 lần so với canh tác thông thường.
Mô hình nêu trên không phải là cá biệt, kết quả từ thực tế hoạt động của các chuỗi liên kết nông sản đã được ghi nhận. Tuy nhiên, đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy: Các mô hình liên kết chuỗi trên địa bàn thành phố vẫn chưa nhiều, chưa xứng tầm với vị thế của nông nghiệp Thủ đô, quá trình liên kết còn không ít bất cập.
Về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Vũ Văn Kỳ cho biết: Với diện tích 200ha rau, trong đó có 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm (vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 600 tấn/năm), hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết chuỗi với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco ở tỉnh Bắc Giang và Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco tại Hà Nội, tuy nhiên mới chỉ tiêu thụ được khoảng 20-30% sản lượng. Còn lại phần lớn sản phẩm do thương lái thu mua rồi đưa đến các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố hoặc tự tìm nơi tiêu thụ nên thu nhập của người trồng rau không ổn định.
Về những bất cập trong phát triển chuỗi liên kết nông sản, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Việc liên kết giữa các cá nhân trong sản xuất còn lỏng lẻo, chưa tạo lập được sức mạnh tổng hợp cũng như thế mạnh của từng ngành hàng. Toàn thành phố hiện có 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, con số này rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp Thủ đô. Nguyên nhân là sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ theo hộ gia đình nên sản lượng thấp. Mặt khác, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ và có độ đồng đều không cao. Thêm nữa là tình trạng tiêu thụ nông sản qua nhiều khâu trung gian gây khó khăn cho việc nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi và giá bán thực tế bị đội lên cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất…
Tháo gỡ bất cập
Tổng Giám đốc Công ty GreenPath Phùng Thị Thanh Hương - doanh nghiệp đang liên kết với nông dân các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức và Quốc Oai xây dựng chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ gạo hữu cơ, nhãn chín muộn, cho rằng: Hà Nội có thể lựa chọn và đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh nhằm thay thế sản phẩm nhập khẩu, đồng thời nâng cao khả năng xuất khẩu. Và, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân, cần xây dựng cũng như mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Cùng với đó là tạo cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm kiểm định sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chí về xuất khẩu.
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch nhìn nhận: Doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân trên cơ sở hợp đồng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia. Thế nhưng, để hoạt động kết nối mang lại hiệu quả trong thực tế, không chỉ trông cậy vào sự chủ động tích cực của nhà sản xuất, nhà phân phối mà rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học...
Nhấn mạnh vai trò của chuỗi liên kết nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hà Nội xác định đến năm 2020 sẽ tiếp tục tổ chức liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh mô hình liên kết theo chuỗi giá trị… Và để tháo gỡ bất cập, vướng mắc từ thực tế, Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Cùng với đó, thành phố sẽ tổ chức các hội chợ, triển lãm chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp... Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị các huyện, thị xã chủ động tổ chức lại hợp tác xã, tổ hợp tác… để làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm...
Cùng với việc triển khai đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu ngành giai đoạn 2016-2020, hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá được xem là giải pháp căn cơ, hứa hẹn mang đến nhiều thành công mới cho nông nghiệp Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.