(HNMO) - Ngày 5-12, Bộ NN&PTNT thông qua Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức hội nghị toàn thể ISG 2019 với chủ đề: “Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam”.
Hiện nay, nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 186 nước trên thế giới với giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD. Hầu hết mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa bảo đảm về quy mô hàng hóa và nguy cơ rủi ro rất cao khi chịu tác động cạnh tranh từ hội nhập kinh tế.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao con số kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng ông cũng bày tỏ lo ngại về xu thế bất ổn định trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam đang phải đánh đổi rất lớn về môi trường, phá rừng, mất đa dạng sinh học...
Ông Stein Hansen, Giám đốc vùng, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho biết, mong muốn giúp Việt Nam thúc đẩy cơ hội kinh doanh bền vững và bao trùm cho người nghèo ở nông thôn thông qua việc phát triển chuỗi giá trị nông sản, tăng cường liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tác động của biến đổi khí hậu và thách thức từ hội nhập kinh tế thế giới. Để giải quyết 3 thách thức này, Việt Nam tập trung công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, quy hoạch vùng nguyên liệu...
Việt Nam cần xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm và nâng cấp công nghệ chế biến, hỗ trợ quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.