(HNM) - Việc phát triển thị trường trong nước đã tạo nền tảng xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa vững chắc, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân ngay cả trong tình huống nhiều địa phương cùng lúc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, để dòng chảy thương mại nội địa vững bền hơn nữa, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chinh phục người tiêu dùng trong nước.
Bảo đảm cung cầu ổn định
Nhìn lại thị trường trong nước thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, dù dịch Covid-19, nhất là làn sóng dịch thứ tư ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt kinh tế - xã hội nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước vẫn được thông suốt. Đặc biệt, ngay cả khi nhiều tỉnh, thành phố cùng thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng thì nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn, giá cả được kiểm soát.
Để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp bán lẻ. Theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op (quản lý và vận hành hệ thống siêu thị Co.opMart toàn quốc) Nguyễn Anh Đức, trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều chợ truyền thống phải đóng cửa, toàn hệ thống Co.opMart đã nỗ lực duy trì ổn định chuỗi cung ứng hàng Việt Nam. Co.opMart cũng không tăng giá hàng hóa, bảo đảm phục vụ tốt nhất người dân trong suốt thời gian qua.
Chiếm khoảng 10% thị phần phía Bắc, nhất là ở thành phố Hà Nội và 25% thị phần thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh, Công ty cổ phần Ba Huân luôn nỗ lực cung cấp sản phẩm trứng cho người dân. “Đối với người dân, nhất là vùng dịch, trứng là thực phẩm thiết yếu. Do đó, chúng tôi luôn nỗ lực để duy trì chuỗi cung ứng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân Phạm Thị Huân chia sẻ.
Từ góc độ người tiêu dùng, bà Phạm Thu Phương, phường Đức Giang (quận Long Biên) nhận xét: "Hệ thống phân phối, bán lẻ đã bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hơn thế, qua hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng nhận được nhiều ưu đãi, trải nghiệm mới".
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, có được kết quả này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của doanh nghiệp để bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường. Điều này được minh chứng qua số liệu 11 tháng năm 2021, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng tới 83,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Nâng chất lượng hàng Việt Nam trong bối cảnh mới
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, hiện hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị chiếm trên 90%. Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa và đưa ra những sản phẩm chất lượng nhằm hướng tới mục tiêu người tiêu dùng tin yêu và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.
Đây cũng là khuyến nghị được nhiều chuyên gia đưa ra với các doanh nghiệp. Đó là nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, để từ đó nâng cao sức cạnh tranh và chinh phục người tiêu dùng, giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phát triển bền vững. Để làm được điều này, cần xây dựng các tiêu chí và lấy nhu cầu của thị trường để định hướng doanh nghiệp tổ chức thực hiện.
Ở góc nhìn khác, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho rằng, để chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thể hiện được vị thế của mình, cần có sự liên kết chặt chẽ theo vùng, có sự phân công chuyên môn hóa giữa các địa phương trong việc phát triển sản phẩm, tránh sự chồng chéo, cục bộ. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đưa ra dự báo thị trường sát thực và cụ thể hơn, nhằm định hướng, tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ.
Với bối cảnh hiện nay, để thích ứng an toàn với dịch bệnh cũng như duy trì chuỗi cung ứng bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch Covid-19 có thể kéo dài. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh cũng như khuyến khích, định hướng sử dụng hàng Việt Nam. Mặt khác, Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thường xuyên thông tin diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa và phát triển thị trường nội địa, ứng dụng thương mại điện tử cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.