Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuỗi biến động chưa dừng

Vân Khanh| 25/04/2011 07:28

(HNM) - Rời mốc kỷ lục 1.500 USD/ounce thiết lập vào giữa tuần, giao dịch tương đối trầm lắng như một phản ứng sau cơn choáng váng mà vàng đã ghi dấu trên thị trường vẫn không thể ngăn thứ kim loại quý này hoàn thành phiên tăng giá thứ sáu liên tiếp, kết thúc một tuần dậy sóng ở đỉnh cao mới 1.507,69 USD/ounce.

Chịu cảnh lạnh nhạt của nhà đầu tư vào tháng 1, vẫn ảm đạm vào tháng 2, dòng vốn ồ ạt rút khỏi thị trường vàng đã quay ngược trở lại vào tháng 3 và khởi sắc đầy bất ngờ ngay từ trung tuần tháng 4. Xác lập tuần lên giá thứ sáu, vàng đã thể hiện sức hấp dẫn mạnh mẽ trước những biến động không thể dự đoán của nền kinh tế và chính trị thế giới.

Cuộc khủng hoảng nợ công khiến Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lao đao và chưa có dấu hiệu tốt lên. Niềm lạc quan về khả năng vượt qua biển nợ của một trung tâm kinh tế lớn của toàn cầu đã gần như bị đẩy trở lại vạch xuất phát khi Bồ Đào Nha chính thức theo gót Hy Lạp và Ireland, trở thành nạn nhân thứ ba của "cơn bạo bệnh" nợ nần. Danh sách những ứng viên tiềm tàng ngấp nghé ở bờ vực phá sản tại Cựu lục địa vẫn chưa được rút ngắn là chỉ báo không lạc quan vào triển vọng của nền kinh tế châu lục và thế giới. Vì thế, dòng tiền đã lập tức không ngần ngại được đưa vào vàng - "hãng bảo hiểm" có uy tín tầm cỡ quốc tế - mỗi khi thị trường tài chính và thương mại bị che phủ bởi mây mù khủng hoảng. Mức tăng 30% của vàng trong năm 2010 được dự báo sẽ bị chinh phục trong năm nay, khi tăng thêm sức lôi cuốn trong bối cảnh đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua ở những phiên giao dịch gần đây. Đà suy yếu của đồng USD do lãi suất thấp kỷ lục và tác động từ khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ cũng đã góp phần đưa giá vàng nâng gấp đôi giá trị so với ngưỡng thấp nhất của 3 năm trước đây.

Một chu kỳ chói sáng của giá vàng được cho là đang mở rộng khi tình hình chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi đang làm đảo lộn những quy ước truyền thống. Nền kinh tế khó có thể lập lại trật tự khi những "ông lớn" của thế giới vẫn phải dồn ngân sách vốn đã quá eo hẹp cho trận địa miền sa mạc đầy may rủi. Sự e dè càng lớn thêm khi các nhà đầu tư lo ngại triển vọng kinh tế toàn cầu chắc chắn bị ảnh hưởng khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - Nhật Bản - đang chao đảo do thảm họa động đất và sóng thần hôm 11-3. Nhận định này đã biến vàng thành tài sản an toàn.

Ngoài ra, tâm lý cần phải bảo toàn dòng vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi cơn bão lạm phát lây lan từ các nền kinh tế đang bùng nổ của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... thành quy mô toàn cầu, đã tạo cú hích lớn cho thị trường kim loại quý. Lạm phát thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng chỉ tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã khiến hai "nhà tiêu thụ" này "ngốn" khoảng 1.543 tấn vàng trong năm 2010. Quan ngại về lạm phát gia tăng là nhân tố đẩy giá vàng tăng tới trên 50 USD trong 6 phiên vừa qua, tức gần 4% và còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những năm tới, dù với tốc độ chậm hơn. Nhu cầu tìm kiếm tài sản thay thế để bảo toàn tích lũy cũng đã đưa giá bạc giao ngay lên kỷ lục chóng mặt 46,69 USD/ounce, mức cao nhất kể từ năm 1980, tăng 8,4% trong một tuần và cộng thêm 51% giá trị kể từ đầu năm đến nay.

Vẫn chưa thể khác, những bất ổn trên nhiều phương diện của thế giới đã ủng hộ cho sự tỏa sáng của vàng. Đã có nhiều chuyên gia cho rằng thứ kim loại quý này không thể cứ leo giá mãi khi thực tế đã cao hơn giá thành sản xuất tới 50%. Vấn đề là chuỗi biến động kỳ lạ này bao giờ sẽ ngừng lại và ở ngưỡng nào. Rất ít ý kiến tin tưởng vào khả năng vàng bị "thất sủng" ít nhất trong trung hạn, cho dù những đợt điều chỉnh nhẹ sẽ diễn ra theo đúng quy luật lợi nhuận của thị trường. Song cho đến lúc đó thì giới cầm tiền sẽ vẫn mải mê chia sẻ lợi nhuận tại một sàn đầu tư có khả năng sinh lời cao vào thời điểm nền kinh tế thế giới vẫn bị chi phối bởi những rủi ro từ chính trị, thiên tai, nợ nần đến những chính sách tiền tệ trái ngược: bên nới lỏng như Mỹ, nơi thắt chặt như tại nhiều quốc gia mới nổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuỗi biến động chưa dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.