(HNM) - Dịp này, nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội ra quân tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động kêu gọi người dân chung tay hành động vì cộng đồng không có ma túy, hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6).
Để bạn đọc hiểu rõ hơn tác hại do ma túy gây ra, phóng viên Báo Hànộimới ghi lại một số câu chuyện được kể lại từ các học viên đang điều trị cai nghiện ma túy.
Đánh mất tuổi trẻ
Chúng tôi gặp anh N.V.K (sinh năm 1987) tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội sau khi vừa hoàn thành chương trình thi đấu thể thao và giành giải Nhất ở môn kéo co. Trò chuyện với chúng tôi, anh K. cho biết: “Sức khỏe của tôi cải thiện từng ngày sau 13 tháng khi đi cai nghiện ma túy theo diện bắt buộc. Tiếp tục nỗ lực điều trị, tôi tin đến thời điểm trở về cộng đồng (tháng 11-2020), tôi có đủ sức khỏe và các kỹ năng cần thiết để làm lại cuộc đời”.
Theo lời kể, anh K. đến từ phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) sinh trưởng trong gia đình cơ bản, được bố, mẹ quan tâm, yêu thương, chăm sóc. Nguyên nhân khiến anh K. sử dụng “chất cấm” khi mới 14 tuổi (năm 2001) chỉ vì muốn thử cho biết. Sử dụng một số lần rồi anh K. nghiện lúc nào không hay. Từ năm 2001 đến 2019, anh K. sử dụng hê rô in, ma túy tổng hợp và các chất ma túy khác, khiến sức khỏe bản thân suy kiệt, tinh thần không ổn định, làm cho bố, mẹ, người thân đau lòng. Sau nhiều lần đi điều trị cai nghiện, trở về lại tái nghiện, người vợ luôn động viên, tin tưởng anh cũng không còn tin anh nữa.
“Tôi đã đánh mất cả tuổi trẻ, sức khỏe, niềm tin từ những người xung quanh vì nghiện ma túy - một cái giá quá đắt”, anh K. nói.
May mắn hơn nhiều người đồng cảnh, anh K. có con gái 7 tuổi ngày ngày mong ngóng bố trở về đưa đi học, đi chơi. “Con gái là động lực, niềm tin giúp tôi tiếp tục điều trị cai nghiện cho tốt để làm lại cuộc đời”, anh K. bày tỏ.
Trường hợp khác lệ thuộc vào ma túy nhiều năm, đánh mất cả tuổi trẻ, hoài bão, ước mơ là anh T.Đ.H (sinh năm 1978), đến từ phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) đang điều trị cai nghiện theo diện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội. Anh H. cho hay: “Tôi sử dụng ma túy từ năm 19 tuổi chỉ vì suy nghĩ ngông cuồng của tuổi trẻ, muốn bạn bè nhìn nhận mình là người… biết ăn chơi. Mà khi bản thân mình không tốt, thì đa phần những người bạn của mình cũng không phải là người tốt. Cứ thế, tôi và một số người bạn sống lệ thuộc vào ma túy nhiều năm qua, bản thân tôi đã đi cai nghiện 7 lần”.
Nhận được sự quan tâm, động viên về nhiều mặt của đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội, hiện nay, anh H. suy nghĩ tích cực hơn, sức khỏe dần cải thiện, trở thành một trong những học viên “nỗ lực vượt lên chính mình”…
Nỗ lực để trở về nhà
Không chỉ những người trẻ rơi vào vòng xoáy của ma túy mà nhiều người ở độ tuổi trưởng thành cũng thử sử dụng “chất cấm” một lần, nhưng có ai ngờ vì "một lần" đó đã trở thành con nghiện lúc nào không hay.
Anh N.B.H (sinh năm 1986), học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội, đến từ phường Đội Cấn (quận Ba Đình) cho biết, anh sử dụng ma túy lần đầu tiên vào năm 2017, khi đã 31 tuổi. “Tôi chủ quan cho rằng bản thân đã lớn, đủ khả năng làm chủ nhận thức, hành vi, nên thử sử dụng ma túy tổng hợp một vài lần cho biết, sau đó sẽ dừng. Nhưng sau khi sử dụng, tôi không thể thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy. Cứ thế, tôi tự biến mình từ một người con ngoan, một công dân tốt… trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”, anh H. kể lại.
Khi mắc nghiện nặng, anh H. rủ cả bạn bè về nhà… “đập đá”, bị gia đình phát hiện và làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng đưa đi cai nghiện. Sau 15 tháng vừa điều trị cai nghiện, vừa tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, học nghề, học kỹ năng sống, hiện nay, anh H. không còn nhớ đến ma túy, quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh H. chia sẻ: “Tôi sai ở đâu sẽ đứng lên ở đó. Khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, tôi sẽ cùng mẹ bán hàng ăn, tránh xa những người bạn sử dụng ma túy…”.
Cũng vì suy nghĩ “thử sử dụng ma túy cho biết”, anh N.A.T (sinh năm 1987) đến từ xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) đang điều trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội tự biến bản thân từ ông chủ chuỗi cửa hàng bán đặc sản giò, chả Ước Lễ ở nhiều nơi, trở thành… người nghiện. Anh T. cho biết, anh sử dụng ma túy từ cuối năm 2018 và chỉ sau vài tháng mắc nghiện, toàn bộ tiền bạc tích cóp sau nhiều năm buôn bán tiêu tan theo ma túy.
“Khi tay trắng, chứng kiến người thân phải đau khổ vì mình, tôi dần tỉnh ngộ. Vì được đi cai nghiện sau thời gian sử dụng ma túy chưa lâu, nên tôi tin bản thân có thể từ bỏ được ma túy. Hết thời gian điều trị cai nghiện, tôi sẽ trở về bên gia đình, sẽ gây dựng lại chuỗi cửa hàng bán đặc sản của quê hương”, anh T. bộc bạch.
Từ bài học xương máu của bản thân, anh T. kêu gọi, nhắn nhủ đến mọi người dân trong cộng đồng, nhất là những người trẻ đừng bao giờ thử sử dụng ma túy, dù chỉ một lần. Đây cũng là thông điệp được truyền thông rộng rãi trong Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.