Ngày 4-7, Báo Người lao động (thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0” nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của gia đình trong thời đại mới.
Dự tọa đàm có GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học cùng một số gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu của thành phố.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Người lao động Tô Đình Tuân nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng và phát triển con người; là điểm tựa tinh thần vững chắc để mỗi thành viên nhận được sự yêu thương, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, gia đình cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Mạng xã hội, internet và các thiết bị thông minh có thể khiến các thành viên trong gia đình dành ít thời gian cho nhau hơn, giảm đi sự kết nối, dẫn đến sự xa cách.
Phát biểu tại tọa đàm, GS. TS Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Internet, điện thoại thông minh giúp con người giải quyết công việc nhanh hơn. Quỹ thời gian còn lại, mọi người nên dành cho gia đình. Việc tăng cường kết nối giữa các thành viên trong gia đình, cùng nhau giải quyết những vướng mắc gặp phải trong cuộc sống sẽ vừa giúp giải quyết những bức xúc cá nhân, vừa hạn chế xung đột gia đình.
Còn TS Võ Văn Nam (chuyên gia tư vấn, tham vấn, chăm sóc tinh thần, nguyên Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các gia đình cần duy trì giao tiếp hằng ngày, giúp các thành viên trong gia đình gắn kết tình cảm, hiểu biết và chia sẻ với nhau những khó khăn, niềm vui và những vấn đề trong cuộc sống. Để làm được như vậy, cần giữ gìn sự kết nối trực tiếp giữa cha - mẹ, cha mẹ - con cái thông qua những bữa ăn, những giây phút tâm sự với nhau.
Từ góc độ chuyên gia nghiên cứu, TS Phạm Thị Thúy (Phó Trưởng khoa Quản lý Kinh tế - xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh) cho biết với kinh nghiệm làm tư vấn tình yêu, gia đình từ năm 1999 đến nay, chị nhận ra 3 thách thức, biến động lớn mà các gia đình hiện đại đang gặp phải.
Một là quy mô gia đình ngày càng nhỏ, tỷ lệ ly hôn gia tăng, mẹ đơn thân nhiều hơn; giới trẻ kết hôn mộn, thậm chí không kết hôn. Hai là chức năng tái sản xuất con người của gia đình thay đổi khi các cặp vợ chồng đẻ ít con, thậm chí không đẻ con. Ba là mối quan hệ cha mẹ và con cái trở nên dân chủ hơn, con cái được lắng nghe nhiều hơn nhưng con cái trở nên khó dạy hơn nếu theo hướng áp đặt.
Là một trong những đại diện gia đình văn hóa tiêu biểu của thành phố Hồ Chí Minh tham dự tọa đàm, bà Trần Thị Thu Hà (phường 11, quận 3) khẳng định gia đình là điểm tựa và cũng là nơi hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Trước việc các tiện ích công nghệ, thiết bị thông minh gây nguy cơ chia tách các thành viên, gia đình bà Hà đặt ra quy định mỗi tháng gia đình sẽ tổ chức một bữa ăn gia đình với đầy đủ các thành viên. Mỗi năm, gia đình bà Hà sẽ có một chuyến du lịch chung. Mùng 1 Tết các con cháu phải tập trung về gia đình để chúc tết ông bà…, nhằm gắn kết gia đình.
Dịp này, Báo Người lao động đã trao 8 giải thưởng cho các bài viết nổi bật trong số 20 bài viết lọt vào vòng chung kết cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" lần 2, năm 2023-2024, vốn được Báo Người lao động phát động từ tháng 7-2023, dành cho mọi bạn viết chuyên, không chuyên trong và ngoài nước, với các thể loại phóng sự, ký sự, ký chân dung nhân vật, phỏng vấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.