(HNM) - Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường. |
- Xin ông cho biết về tình hình bệnh lao cũng như công tác phòng, chống lao trên địa bàn thành phố?
- Bệnh lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, hằng năm, cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Hiện số người mắc lao hằng năm đang giảm khoảng 5-6%. Riêng tại Hà Nội, năm 2018, chương trình chống lao của thành phố đã phát hiện được 4.861 bệnh nhân lao mọi thể, tương ứng với tỷ lệ 63 người bệnh/100.000 dân. Số lượng người bệnh lao thu nhận điều trị trong năm 2018 giảm 0,6% so với năm 2017. Có được kết quả trên là do chúng ta đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong việc chẩn đoán nhanh, chính xác người bệnh mắc lao và ứng dụng hiệu quả phác đồ điều trị. Thêm vào đó, mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và duy trì tại 100% quận, huyện và 100% xã, phường. Do đó, 100% dân số được tiếp cận với chương trình chống lao.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình chống lao hiện phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vậy những khó khăn đó là gì, thưa ông?
- Trong nhiều năm qua, chương trình chống lao của thành phố đã đạt được những kết quả to lớn, tuy nhiên, công tác phòng chống lao vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 16/30 nước có số người bệnh lao cao nhất thế giới và xếp thứ 15/30 nước có người bệnh lao kháng thuốc cao nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, công tác phát hiện nguồn lây bệnh lao ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế. Bởi vì đa số người bệnh lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông, chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng. Thêm vào đó, xã hội còn kỳ thị với người bệnh lao dẫn đến việc không ít người giấu bệnh… Khó khăn tiếp nữa là do thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài nên nhiều người bệnh bỏ dở phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn nhân lực của tuyến huyện, xã còn thiếu, thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều công việc nên ảnh hưởng đến công tác phòng chống lao. Ngoài ra, kinh phí thực hiện khó khăn trong việc hỗ trợ các hoạt động đặc thù của mạng lưới chương trình chống lao. Công tác phối hợp y tế công tư phòng chống lao còn hạn chế...
Chăm sóc bệnh nhân mắc lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: Gia Phong |
- Chiếm tỷ lệ cao trong số người bệnh mắc lao là người nghèo và cận nghèo. Do đó, việc san sẻ gánh nặng điều trị sẽ giúp người bệnh không bỏ dở quá trình trị bệnh, tránh lây lan bệnh ra cộng đồng...
- Đúng vậy! Bệnh lao vẫn được coi là căn bệnh của “người nghèo”, người có hoàn cảnh khó khăn. Cả liệu trình điều trị lao đòi hỏi người bệnh những chi phí không nhỏ, tiêu tốn thời gian, nhân lực của bản thân và gia đình. Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động huy động nguồn tài chính giúp đỡ người dân nghèo được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt căn bệnh này. Chẳng hạn như tổ chức đấu giá thành công bức ảnh “Gương mặt lo lắng chờ đợi kết quả các bác sĩ” trị giá 51 triệu đồng để ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Qua đó, nhiều người bệnh được mua bảo hiểm y tế, giảm bớt khó khăn. Ngoài ra, trong năm 2018, bệnh viện còn tổ chức khám, xét nghiệm lao miễn phí cho hơn 1.500 người nghèo, người vô gia cư tại 3 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Thanh Trì. Hỗ trợ cho bệnh nhân trong 3 tháng đầu điều trị các loại thuốc bổ gan, sữa bột, ngũ cốc…
- Ðể thực hiện mục tiêu hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi đời sống cộng đồng, thành phố có những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?
- Để có thể thanh toán bệnh lao vào năm 2030 theo kế hoạch của chương trình chống lao quốc gia, chương trình chống lao Hà Nội bám sát vào các mục tiêu, thực hiện sự chỉ đạo của các cấp và tăng cường tập trung vào các hoạt động phát hiện sớm bệnh trong cộng đồng như: Tăng cường phát hiện bằng cách phối hợp với các hệ thống y tế công và tư nhân trong công tác phòng chống lao, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán mới như: GeneXpert, nuôi cấy nhanh, kính hiển vi huỳnh quang đèn LED... Khuyến khích người dân chụp X-quang phổi phát hiện sớm bệnh lao, phát hiện chủ động bệnh lao ở các đối tượng, đặc biệt như người nhiễm HIV, khu vực trại giam, trung tâm cai nghiện. Bên cạnh đó, mở rộng quản lý lao kháng đa thuốc; tăng cường sàng lọc lao ở trẻ em bao gồm cả điều trị bệnh lao và điều trị dự phòng lao.
- Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3), ông có lời nhắn gì tới đội ngũ y, bác sĩ đang công tác trên mặt trận phòng chống lao và cả người dân để chúng ta đạt mục tiêu thanh toán bệnh này?
- Ngày Thế giới phòng chống lao được tổ chức vào 24-3 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về gánh nặng bệnh lao, đồng thời kêu gọi sự nỗ lực của toàn cầu trong việc phòng chống, chăm sóc, điều trị và chữa khỏi bệnh cho tất cả những người mắc bệnh lao, đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một Việt Nam không còn người bệnh lao vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này rất cần sự chung tay hành động của đội ngũ y, bác sĩ và cộng đồng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.