(HNNN) - Chủ động đề ra các giải pháp ứng phó ngay từ những ngày đầu năm nên dù Hà Nội diễn ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt, lượng điện tiêu thụ liên tục thiết lập đỉnh mới nhưng thời gian qua nguồn điện Thủ đô vẫn luôn bảo đảm thông suốt. Tuy nhiên, để giữ dòng điện bảo đảm chất lượng, cùng với nỗ lực của ngành Điện Thủ đô, rất cần sự chung tay, góp sức của cả người dân, doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm điện.
Nhu cầu ngày một tăng
Đợt cao điểm nắng nóng cuối tháng 5 và kéo dài đến trung tuần tháng 6-2021 đã khiến sản lượng tiêu thụ của nhiều hộ gia đình tăng mạnh. Chị Nguyễn Minh Ngọc ở chung cư Việt Đức Complex (số 39 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân) cho biết: Tiền điện tháng 5-2021 của gia đình đã tăng hơn 1,4 triệu đồng so với những tháng trước đó. Nguyên nhân vì dịch bệnh, trẻ con ở nhà học online, hai vợ chồng chị cũng làm việc trực tuyến nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng mạnh, nhất là khi cao điểm nắng nóng 4 máy điều hòa phát huy hết công suất cả ngày lẫn đêm.
Thực tế, không riêng gì gia đình chị Ngọc mà lượng điện tiêu thụ tăng trong những ngày nắng nóng gay gắt là điều phổ biến với hầu hết các hộ gia đình ở Hà Nội. Thống kê của Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho thấy rõ điều đó. Cụ thể, nắng nóng gay gắt trên diện rộng đã khiến công suất đỉnh của năm 2021 thiết lập mốc mới là 4.530MW vào lúc 14h ngày 31-5-2021, mốc cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 2% so với đỉnh 4.435MW của năm 2020. Theo đó, lượng điện tiêu thụ ngày 31-5 cũng đã chạm đỉnh, cao chưa từng có là 90,372 triệu kWh. Như vậy, lượng điện tiêu thụ ngày bình quân trong tháng 5 là 67,851 triệu kWh, tăng xấp xỉ 20% so với tháng 4-2021.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân trong điều kiện thời tiết nắng nóng lên tới đỉnh điểm, ngành Điện Thủ đô đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Trước đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội đã đưa ra dự kiến năm 2021 phụ tải ngày cao nhất tăng 7% ở khu vực trung tâm và 9% ở các khu vực còn lại, với công suất lớn nhất khoảng 4.789MW. Khi có những đợt nắng nóng cực đoan, phụ tải dự báo tăng 12% ở khu vực trung tâm và 15% ở khu vực còn lại, với công suất lớn nhất khoảng 5.033MW.
Thông tin thêm về điều này, ông Nguyễn Danh Duyên, Tổng Giám đốc EVNHANOI cho biết, ngay từ đầu năm 2021, ngành Điện Thủ đô đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, các công ty điện lực thực hiện đồng bộ các chương trình, giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện tốt nhất cho Thủ đô. Cụ thể, trong quý I-2021, Tổng Công ty đã hoàn thành kế hoạch cải tạo, sửa chữa lưới điện 220kV và 110kV; khởi công một công trình và đóng điện 3 công trình cao thế với năng lực tăng thêm 126MVA và 8,8km dây dẫn; khởi công 115 công trình và đóng điện 38 công trình lưới điện trung, hạ thế. Toàn bộ các trạm biến áp xây dựng mới được EVNHANOI đầu tư áp dụng các công nghệ hiện đại cùng hệ thống điều khiển từ xa, không cần người trực.
Công ty điện lực các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thường xuyên triển khai các đợt rà soát nhằm phát hiện, thay thế, bổ sung một số tuyến đường dây đã cũ, thi công, đấu nối, lắp đặt các thiết bị điện như đường dây, trạm biến áp, góp phần cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định cho mùa hè 2021. Các đơn vị, bộ phận chức năng cập nhật, phân tích, đánh giá số liệu phụ tải theo từng khu vực, từ đó có dự báo phụ tải sát thực tế, xây dựng giải pháp cấp điện ứng với kịch bản phụ tải cực đoan nhất (những ngày nắng nóng đột biến) và chủ động ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra...
Những ngày cao điểm nắng nóng, theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng ban Truyền thông EVNHANOI, Tổng Công ty đã thực hiện hàng nghìn ca trực bảo đảm điện. Nhiệm vụ của các ca trực là thực hiện cân đảo pha, đo nhiệt độ đường dây, mối nối, kiểm tra vận hành của các trạm biến áp để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về điện trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao độ tin cậy trong việc cung cấp điện.
Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện
Mặc dù lượng điện tiêu thụ trong những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua được đáp ứng đủ, tuy nhiên, nguy cơ thiếu điện luôn tiềm ẩn. Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vào mùa hè, hầu hết các gia đình đều gặp tình trạng chung là nhu cầu dùng điện tăng lên, kéo theo đó là hóa đơn tiền điện cho sinh hoạt sẽ tăng. Không chỉ có vậy, ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường, công trình kiến trúc, không gian sử dụng thiết bị điện, đặc tính của thiết bị điện, thói quen của người sử dụng... cũng có tác động rất nhiều đến việc tiêu hao điện năng.
Còn ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhiều người vẫn thắc mắc về việc tại sao cùng là thiết bị điện, tần suất, thời gian sử dụng tương đương nhưng lượng điện tiêu thụ lại nhiều hơn vào mùa nắng nóng. Nguyên nhân là tác động từ môi trường bên ngoài làm giảm hiệu quả năng lượng của thiết bị. Ví dụ, với máy điều hòa nhiệt độ, thời tiết càng nắng nóng thì hiệu quả năng lượng của máy càng giảm. Nhiệt độ ngoài trời cứ tăng 1oC thì điện năng tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 2 đến 3%. Sự chênh lệch nhiệt độ ở trong phòng và ở ngoài trời càng lớn thì điều hòa càng ngốn điện. Giảm nhiệt độ phòng xuống 1oC thì tiêu thụ điện của điều hòa sẽ tăng từ 1,5% - 3%.
“Bên cạnh đó, các thiết bị điện sử dụng lâu ngày nếu không được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, không được sử dụng đúng cách sẽ càng gây tốn điện so với bình thường. Do vậy, để tránh tình trạng số tiền điện hằng tháng phải trả tăng cao trong mùa nắng nóng, khách hàng nên sử dụng thiết bị đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả” - ông Võ Quang Lâm nói - “Thực tế, qua tiếp nhận ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao, ngành Điện cũng phát hiện một số nguyên nhân khác làm tăng số tiền điện phải trả như thói quen không tắt điện khi sử dụng các thiết bị điện, sử dụng nhiều thiết bị có công suất quá lớn so với nhu cầu…”.
Theo tính toán cụ thể của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hòa nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60 - 70% tổng số lượng điện năng tiêu thụ. Để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khi bật điều hòa chỉ nên đặt ở mức 27oC trở lên và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa bảo đảm đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ. Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, cũng không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao.
Không chỉ sử dụng điện tiết kiệm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và các chuyên gia, tại Hà Nội, nhiều hộ gia đình đã lắp đặt, sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời cho bình nóng lạnh, hệ thống chiếu sáng sân, vườn. Anh Cao Ngọc Quý, ở phường Bồ Đề, cho biết, việc sử dụng năng lượng mặt trời góp phần giúp gia đình tiết kiệm phần nào chi phí điện nhưng quan trọng hơn là đã tạo thói quen “sống xanh” trong gia đình.
Hiện nay, EVN đã xây dựng công cụ ước tính tiền điện. Tại Hà Nội, EVNHANOI đã xây dựng app EVNHANOI để giúp người tiêu dùng có thể biết được những thiết bị điện trong gia đình tiêu thụ 1 tháng khoảng bao nhiêu số điện (kWh), thậm chí theo dõi lượng điện tiêu thụ từng ngày. Qua đó, các hộ gia đình có thể điều chỉnh thói quen, hành vi sử dụng điện để tiết kiệm điện, đặc biệt là vào những thời điểm nắng nóng cực đoan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.